Câu chuyện nhân quả hiếu thuận sẽ được hạnh phúc

Hiếu thuận sẽ được hạnh phúc – “Hiếu vi bách hạnh chi tiên, vạn thiện chi bổn” nghĩa là: Muôn lành trăm nết, lấy hiếu làm đầu. Sách Phật sách Nho cũng đều nói như vậy, cho thấy có hiếu với cha mẹ là một điều mà làm con ai cũng phải có, câu chuyện nhân quả sau đây còn chỉ ra rằng hiếu thuận sẽ được hạnh phúc.

Hiếu thuận sẽ được hạnh phúc

Câu chuyện nhân quả hiếu thuận sẽ được hạnh phúc xảy ra ở đời nhà Minh, ở quận Linh Lăng, làng Phú Mỹ. Có một bà góa, mọi người đều gọi là bà Mã Ổn. Gia tư vừa đủ ăn đủ mặc, có hai người con trai tên là Mã Văn và Mã Võ.

Mã Văn bản tính thông minh, mới mười hai tuổi đã đặng danh nơi hàng uyển, còn Mã Võ do học hành chậm tiến, nên lui về lo việc làm ăn.

Một hôm, bà Mã Ổn bảo Mã Văn: “Con ơi! Nay con đã mười bảy tuổi, mẹ thì ngày càng già yếu, vậy con hãy nghỉ học ít bữa, ở nhà để mẹ lo bề cưới vợ cho con”.

Mã Văn nghe vậy, bèn chấp tay quỳ gối lễ phép thưa: “Thưa mẹ! Mẹ dạy thì con đâu dám cãi lời, song con nghĩ con có ba điều chưa nên cưới vợ.

Một là: dâu hiền khó hiếm, duyên nợ biết là đâu, nếu may mà gặp được duyên lành thì chẳng nói gì, còn rủi như gặp phải duyên chẳng lành, bất hiếu bất thuận, thì con e lại thêm những điều phiền não cho mẹ chăng?

Hai là: ơn đức của mẹ ví như trời cao đất rộng, khi con còn ở trong lòng mẹ mang nặng đẻ đau, đến khi lọt lòng mẹ lại lo ẵm bồng, cho ăn cho bú. Vì mong con thành đạt, phần lo cơm áo cho ăn học, phần lo ơn thầy nghĩa bạn cho con, cái khổ của mẹ đã không biết bao nhiêu.

Mẹ ơi! Con xét bổn phận mình, hiếu thảo chưa đền, hổ thẹn đã không biết mấy, còn mẹ ngày thêm già yếu, con nỡ nào để cho mẹ hao tổn tinh thần, chăm lo cho phần con như vậy.

Ba là: con đã sanh làm kiếp nam nhi, đáng làm phận râu mày, thì cũng phải lo sao để được rạng danh với giang san, góp phần xây dựng nước nhà thái bình, làm gương cho người, để lại danh thơm muôn thuở.

Đó là điều trước tiên phải làm, chớ như việc cưới vợ đâu có gấp gì, thiết nghĩ sau khi công thành danh toại rồi, cưới cũng không muộn”.

Bà Mã Ôn nghe con nói vậy liền nổi giận, la quở om sòm rằng: “Văn! Nay mẹ đã già rồi mẹ biểu chi con phải nghe theo chớ nên cãi”.

Mẹ hỏi con! Nay mẹ đã gần đất xa trời, hai đứa đều đã to lớn trưởng thành dường đó, mà không lo cưới vợ cho con và em con, để về giúp công chuyện nhà thay ta đỡ việc cho mẹ. Chắc là con ưng để cho mẹ cứ giữ lo trong lo ngoài, giã gạo, xay lúa, nấu cơm, quét nhà, hoài hay sao?

Còn đến khi mẹ đau ốm, ai giặt quần áo, ai miếng mặn miếng lạt cho mẹ? Chằng lẻ con ra làm mấy chuyện đó, vậy có phải là con hại mẹ hay không?”

Mã Văn nghe mẹ rầy, khóc kể lạy thưa rằng: “Lạy mẹ! Xin mẹ bớt giận, để con thưa lại cho mẹ nghe. Vốn ý con thấy nhà mình nghèo, sợ mẹ lo quá sanh ra đau ốm nên con thưa như vậy, chớ con đâu dám cãi mẹ. Xin mẹ tha lỗi cho con phen này, từ rày về sau mẹ bảo sao thì con vâng theo vậy, chớ con không dám cãi nữa”.

Mã Văn thưa thốt một hồi lâu, bà mới hết giận, rồi bảo Mã Văn rằng: “Các thầy bói nói mẹ có số thờ Phật, thầy bảo mẹ thường niệm Quán Âm Bồ Tát, sẽ được phù hộ, nên mẹ thường niệm vái Phật Quán thế Âm Bồ Tát hoài, cầu cho mẹ gặp được đứa con dâu hiếu thảo.

Quả nhiên hôm trước mẹ nằm chiêm bao, thấy một đức bà hình dung nghiêm nghị, trên đầu tỏa hào quang, mình khoác áo vàng, chân đứng trên tòa sen, gọi mẹ đến dạy rằng: “Có một đứa con gái nay mười lăm tuổi, con nhà họ Đào, tên San Hô, ở làng Phước Khê, cách đây khoảng mười hai dặm”.

Mới nghe đến đó, mẹ giật mình thức dậy, mẹ biết chắc Phật Quán Âm mách bảo cho mẹ. Mẹ đã mượn người mai mối qua làng Phước Khê hỏi thăm, thì quả có Đào San Hô, công hạnh vẹn toàn. Nhà ấy cũng nhà lễ nghĩa, mẹ đã tương lễ cầu hôn rồi, định ngày mùng chín tháng này nạp lễ thân nghinh, con phải sửa soạn lo đi làm rể.

Mã Văn nghe mẹ hối thúc, liền đứng dậy lui ra, sắp đặt các việc tử tế. Đến ngày mùng chín, chàng phụng sính lễ nghi qua nhà họ Đào, bái lễ thành thân, rồi rước thẳng về nhà trước yết ông bà, sau ra mắt mẹ và làm lễ hợp cẩn luôn trong ngày ấy.

Đẹp đẽ thay! Lạ lùng thay! Trai tài gái sắc, trời đất khéo xây, thần tiên cũng thế! Từ khi hai người hợp mặt, đẹp phận xướng tùy, thề cùng non nước.

Thiên hạ thấy vậy, ai chẳng tưởng rằng vợ chồng của Mã Văn trăm năm tơ tóc, gắn chặt keo sơn, dè đâu con tạo trớ trêu, chia loan rẽ phụng, thiện duyên đổi lại ác duyên, khiến người bực tức, mà buồn bực cho cái cảnh huống sau đây.

Nhắc lại khi San Hô về làm dâu trong một năm đầu, mẹ con hòa nhã, chồng vợ vui vầy.

Năm sau đó, chẳng biết duyên cớ gì mà bà Mã Ổn khởi lòng ác cảm, ghét nàng như ghét người thù.

Một năm mười hai tháng, không có lúc nào khỏi bị bà đánh bà chửi, bà rủa bà kêu bà réo, San Hô hỡi, San Hô ơi! Đó là phần mẹ chồng khắc bạc nàng dâu.

Còn chồng của nàng là Mã Văn, tuy không có lòng ghét nàng, nhưng thấy mẹ không thương, thì chàng cũng không dám tưởng đến.

Vợ chồng ở chung một nhà, mà vợ không dám ngó chồng, chồng không dám nhìn vợ, không khi nào dám nói với nhau một lời, vậy mà bà còn mắng nhiếc Mã Văn cưng vợ, cứ hối Mã Văn viết giấy từ vợ.

Chàng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng biết tính sao, bèn đánh liều lạy mẹ mà thưa rằng: “Thưa mẹ! Con San Hô nó dại, nó ở không vừa ý mẹ, nên mẹ biểu con đuổi nó vẫn đành, song con nghĩ nếu đuổi nó, thì mẹ lại phải lo cưới đứa khác cho con, thành ra mẹ còn khổ nữa, vì mẹ vẫn phải lo hoài.

Huống chi cưới đứa khác mà rủi nó cũng dại như con San Hô nữa, thì tính làm sao? Nếu đuổi nữa, thì mang tiếng với đời, còn không đuổi thì cực lòng mẹ. Vậy xin mẹ lượng lại, chứ ý con muốn mẹ bỏ hắt nó đi, coi nó cũng như đứa đầy tớ, đừng tưởng nó là con dâu chi nữa, để nó ở vòng ngoài, sai nó dọn dẹp chuyện này chuyện kia để cho mẹ thông thả cũng được.

Vậy không biết mẹ có bằng lòng hay không?”

Bà nói: “Ơ! Thằng này nó tiếc con vợ nó! Nó không chịu đuổi. Văn! Mày có tiếc con vợ của mày, thì mày giết tao đi, rồi mày sẽ ở với nó, mày thờ nó làm mẹ mày!”

Mã Văn nghe thấy bấy nhiêu lời như búa đánh trên đầu, lập tức viết tờ ly dị, rồi biểu nàng San Hô ký tên.

Thảm thay! Nàng vẫn giữ phận nữ lưu đoan chính, trọn đạo phu thê, vẫn giữ phận làm dâu, không có chút hờn giận. Mẹ rầy nhà trên, thì nàng xuống nhà dưới, mẹ la cửa trước, thì nàng bước cửa sau, mỗi bửa gà gáy lo thức dậy trước, dâng nước thau, nước bát cho mẹ, sáng ra lo quét nhà nấu cơm, chịu đủ trăm bề khổ cực. Vậy mà không hiểu sao mẹ nỡ không thương cho đành, làm cho nàng tủi phận liễu bồ, buồn duyên tơ tóc, ngày sáu khắc ưu phiền, ruột đau từng đoạn.

Đoạn này nhắc lại, trong khi Mã Văn đuổi nàng San Hô ra khỏi cửa, nàng sửng sốt như kẻ mất hồn, chết xỉu một hồi mới tỉnh lại, khóc và lại như cần cối đạp, xin làm thân tôi tớ, hầu mẹ hầu chồng, trước là nhờ cái bóng trường tùng trăm thước che đậy tấm thân, sau nữa gửi nấm xương thịt mồ côi cho được mồ phần ấm cúng mà thôi, chớ không dám hy vọng những điều chi khác cả.

Thương thay cái tình cảnh ấy, dầu cho trời đất cũng phải động tâm, gan sắt dạ đồng cũng rơi lụy. Thế mà nàng khóc chi thì khóc, nói chi thì nói, bà Mã Ổn cũng nằng nặc quyết đuổi đi.

Cuối cùng nàng không biết làm sao, bất đắc dĩ phải cuối đầu bái biệt.

Khi ấy nàng tự nghĩ rằng: “Bây giờ mình biết đi đâu đây, nếu về quê cha mẹ, thì một là cha mẹ phiền lòng, hai là anh em khinh bạc, và ba là ép gả lấy chồng khác.

Nếu lấy chồng thì thất tiết, sao gọi là liệt nữ trinh thê! Thôi thời chết cho rồi, chết tại đây là quê của chồng, chằng hơn bỏ thây nơi xứ khác hay sao?

Huống chi lại tiện bề khuya sớm vãng lai, đem hồn vía mà bảo hộ cho mẹ và chồng mình được mạnh giỏi là khác nữa”.

Nàng nghĩ như vậy, rồi lấy con dao nhỏ tự vẫn liền. Tự vẫn rồi, hồn nàng phiêu lạc khắp nơi.

Một hôm, nàng chợt thấy một bà đứng trên mây, sen vàng đỡ gót, lọng bào che đầu, tư thế trang nghiêm, gọi nàng đến bảo rằng: “San Hô, con ơi! Con vội gì mà hủy thân như vậy, bởi con không biết cái nợ nần tục thế của con, nên để bà thuật lại cho con nghe.

Nguyên kiếp trước, con là một danh sĩ, tên là Phan Đức Tuấn, phong lưu sung sướng đủ bề, có kết duyên cùng một gái thanh xuân tên là Kiều Phi Nga, hẹn non thề nước tính đã năm thừa, sau con lãng chơi theo miền tiếc nguyệt phong ba, mà quên phứt cái lời giao ước ngày xưa, đành để cho hoa sầu trăng tủi, đã hẹn lâu mới được đoàn viên như cũ, chung hưởng cái phước tồn vinh. Đó là một kiếp.

Còn một kiếp nữa là thân con gái, tên là Phạm Ngọc Hà, cũng hơn trang tài sắc, cũng đủ sức giàu sang, nô bọc tuy nhiều nhưng chỉ thân thiết và yêu mến một cô nữ tỳ. Vì cô ta đã khôn lại giỏi, nên có phần thương hơn hết, không may cô tớ gái bị đau hơn nửa năm, mê man tràng tịch, hơi hám thúi hôi, nàng Ngọc Hà khởi lòng bất lương đã gớm lại ghét, quyết đuổi một bề, dù cô ta lạy khóc thế nào cũng không nuôi nữa. May sau đó, cô ta được lành lặn trở lại xin ở với Ngọc Hà, thì Ngọc Hà mới thương lại như cũ.

Con ơi! Cái nhân duyên ấy, con có nhớ được hay không?

Trước kia bà nói một gái thanh xuân Kiều Phi Nga đó, tức là Mã Văn, chồng của con ngày nay, và đứa tớ gái đau mà bị đuổi đó, tức là mẹ chồng của con ngày nay.

Còn Phan Đức Tuấn và Phạm Ngọc Hà, tức là ngày nay thân của con đó, bởi kiếp xưa con có nợ nần như vậy, nên kiếp này con phải chịu đền bù.

Con ơi! Đó tức là trái tiền khiên của con nhưng nay con trả cũng gần xong rồi, huống chi cái lòng hiếu thuận của con cảm tới Trời Phật Quỷ Thần, hiếu thuận sẽ được hạnh phúc, thế nào sau này cũng có ngày tái hợp, mẹ con hòa thuận, vợ chồng sum vầy, sự lạc quan còn hơn trước nhiều nữa.

Thôi! Bây giờ bà cho con hoàn hồn nhập xác, tìm chỗ thế thân, chờ ngày bỉ cực thái lai, rồi bà sẽ giúp gió giùm duyên cho con nữa”.

Nàng nghe mấy lời, mới biết là Bồ Tát Quán Âm hiện thân mách bảo, bèn cất đầu ngửa mặt lên khoảng hư không, bái tạ mà thưa rằng: “Bẩm bà! Như cái thân con ngày nay lênh đênh cô khổ, biết đâu mà gửi dâu bèo mây, vậy xin bà mở lượng từ bi, chỉ giúp chỗ thê thất cho con thì con mới biết đường tiến thoái, khỏi sa sụp vào chốn hiểm nguy. Nếu bà chẳng chỉ thì thôi xin đừng hoàn hồn cho con làm chi mà khổ cái thân con nữa tội nghiệp!”

Nàng thưa như vậy rồi, liền nghe lời đáp lại rằng: “Con ơi! Chồng con có một người dì tên là Châu Thị, ở làng Cẩm Xuyên, cách đây ước chừng tám dặm ngoài. Bà ấy vốn hiền hậu, con nên tới đó mà nương náu cho qua ngày, đợi vài năm nữa sẽ có cơ hội. Còn nhà mẹ chồng con rồi đây sẽ mắc nợ oan gia bị hại cả nhà. Thôi con mau tỉnh lại đi!”

Lời dặn của đức Bồ Tát Quán Âm vừa dứt, nàng lần lần tỉnh lại, ngồi dậy định thần một lúc mới hay là mình đã được hoàn hồn. Bèn y theo lời dặn trong giấc y hồn, hỏi thăm làng Cẩm Xuyên lần dời bước.

Đường đến Cẩm Xuyên tuy gần song vì núi non cách trở, nhiều chặng gay go, còn nàng phần thì đói, phần thì rầu, nhớ mẹ thương chồng. Lại thêm đường dốc quanh co, tiếng hùm vang dậy, canh khuya thân gái một mình,biết bao gian nan thống khổ.

Nàng đi từ xế bữa trước đến chiều ngày sau mới tới nhà người dì chồng là bà Châu Thị.

Khi nàng bước vào cửa, người dì chồng không nhận ra bèn hỏi nàng ở đâu tới có việc gì.

Nàng thưa rằng: “Con tên là San Hô vợ của Mã Văn, là dâu của bà Mã Ổn”.

Bà Châu Thị nghe rồi liền nói: “À! Hóa ra con là San Hô vợ của cháu Mã Văn! Vậy dì tưởng ai đâu lạ chớ! Sao nay con gầy ốm thế này? Chớ con qua đây có việc gì không mà đi coi khổ cực đến vậy?”

Nàng bèn quỳ xuống lạy bà Châu Thị mà kể rõ đầu đuôi.

Dì ơi, như thận phận con ngày nay bị đuổi là đành rồi, con đâu dám than trời trách đất, nhưng ngặt vì tôn tích của con chẳng còn ai, nhà cửa và xứ sở cũng không, chẳng biết nương dựa vào đâu để tạm gửi cái thân tất bóng phù du trong một lúc.

Bởi vậy nên bất đắc dĩ con phải trèo non lặn nước tìm đến đây, lạy xin dì cho tá túc một đôi năm, sống thác cũng nhờ dì, dẫu kết cỏ ngậm vành, con cũng nguyền báo đáp ơn dì che chở. Nhưng không biết dì có bằng lòng dung nạp con chăng?”

Bà Châu Thị nghe rồi bèn nói rằng; “Con ơi! Cơ sự đó, dì nghe qua thì đủ biết, mẹ chồng của con tâm tánh không được từ hòa, dầu cho con có khôn có giỏi cách nào, chắc cũng không ở được. Thôi! Con đừng sợ, cứ an tâm ở đây với dì, không sao mà ngại”.

Từ lúc nàng San Hô ở yên tại nhà bà Châu Thị, làm thuê làm mướn, ăn bữa đói bữa no, may thay bà Châu Thị thương nàng cũng như con ruột.

Đoạn này nói qua chuyện bà Mã Ổn, từ khi đuổi nàng San Hô đi rồi, liền sắm lễ vật cưới vợ cho Mã Võ, làm em của Mã Văn.

Nguyên vợ của Mã Võ là con nhà họ Lâm, tên là Túy Hoa, ở làng Đông Hồ, hình dung xấu xa lại thêm tính tình hung ác, ngỗ nghịch không biết nể ai.

Từ ngày về làm dâu bà Mã Ổn, vài tháng đầu thì còn khá, mấy tháng sau nàng tỏ lần cái thủ đoạn cao cường ra, muốn đánh chồng lúc nào thì đánh, muống mắng mẹ hồi nào thì mắng, vui thì nàng cho ăn cùng, buồn thì nàng tự ăn một mình không cho ai ăn hết. Bà Mã Ổn, Mã Văn, Mã Võ thường xuyên bị nàng bỏ đói, ví dầu ai dựng đầu xuống đất chỏng cẳng lên trời, tàn bạo cách mấy cũng phải hỏi thăm Túy Hoa mà học thêm cái dữ của nó.

Thương thay cho bà Mã Ổn! Không biết cái oai phong khi trước của bà đối với nàng San Hô nay cất để vào đâu, không thấy đem ra đối với con Túy Hoa một chút xíu nào, để đến nỗi lòn cúi dưới quyền la chửi của nó.

Mẹ con cứ lén nói trộm khóc thầm, cấp kỳ nghe nó đằng hắng hay là ho, thì đã lật đật lau chùi nước mắt, ngậm miệng nín khe, lo ra mà làm công chuyện, nó sai việc gì cũng phải tuân theo, chớ không dám trái lời.

Than ơi! Sự đời hễ có vay thì có trả, quả báo rõ ràng như vậy, thiệt nên gớm ghê!

Đoạn này nhắc lại nàng San Hô, từ khi qua ở nhờ bà Châu Thị, may thuê dệt mướn, ăn nhín nhịn thèm, góp nhóp có dư được đồng nào, thì mua thịt mua cá hay là bánh trái chi đó, cậy bà Châu Thị gửi dùm qua cho mẹ và chồng, mà mỗi một lần gửi, thì nàng thưa với bà Châu Thị rằng: “Nếu mẹ con có hỏi, thì xin dì dặn người đem đồ ăn đó nói con dâu dì gửi cho, chớ đừng nói của con, sợ mẹ con giận mà không ăn”.

Bà Mã Ổn bị cái mạng con Túy Hoa nó khắc bạc làm cho thèm khát lâu ngày, nên mỗi lần được đồ ăn bên người chị đem qua, thì vừa mừng vừa khóc, mẹ con bưng giấu, chờ tới đêm khuya mới dám ăn, vì sợ nó thấy nó đánh.

Bởi vậy nên ba mẹ con hàng ngày đều khen trộm con dâu của bà Châu Thị ở thật có đức, và cảm tạ ân mãi.

Kể từ ngày nhà họ Mã gặp chuyện đến nay gần được hai năm, không may bà Mã Ổn lâm bệnh, bà Châu Thị hay tin qua thăm.

Trong lúc trò chuyện, bà Châu Thị hỏi rằng: “Dì mới đau sao lại gầy ốm như vậy?”

Bà Mã Ổn thút thít một hồi, rồi nó nhỏ rằng: “Hai năm nay, em đói quá, chị ơi!”

Bà Châu Thị nghe nói vậy lấy làm lạ, bèn hỏi rằng: “Sao dì lại đến nỗi đói?”

Bà Mã Ổn lấy tay khoát khoát, rồi chỉ xuống nhà dưới mà không dám nói chi cả.

Bà Châu Thị lại hỏi: “Vậy chớ con vợ của thằng Văn đi đâu, không nuôi dì để cho dì khổ như thế?”

– Con San Hô đã bị đuổi từ năm kia rồi còn ở đây đâu nữa mà hỏi!
– Tôi nghe con San Hô đã giỏi lại có tài đức, sao dì đuổi nó đi”
– Tại nhân duyên của vợ chồng nó trắc trở làm sao tôi đâu có biết! Chị thiệt có phước gặp được dâu quý báu quá, con San Hô làm sao bì kịp!
– Sao dì biết con dâu của tôi quý báu?
– Từ năm ngoái đến nay, nó cứ gửi đồ ăn qua cho tôi hoài. Chị nghĩ thử coi, tôi đây mà nó còn thương tưởng như vậy, huống chi là mẹ nó thì nó nuôi kỹ biết bậc nào.
– Dì coi được đứa nào nữa coi được mà cưới cho thằng Văn chưa?
– Chưa! Vậy chị có biết nơi nào chỉ dùm cho cháu?
– Tôi có một con cháu, nếu dì ưng cưới cho thằng Văn, thì tôi gả cho.
– Con ai vậy chị?
– Con nhà họ Đào, tên là San Hô!
– Ủa! Sao lại trùng tên họ với con dâu cũ của tôi!
– Ừ! Con trước con sau cũng là một tên San Hô, chớ ai vô đó mà không trùng!
– Ủa! Vậy chẳng là con San Hô lâu nay nó ở bên chị sao?
– Nếu nó không ở bên tôi, thì ai gửi đồ ăn cho dì đó!
– Ủa! Sao chị nói dâu chị gửi cho!
– Dâu của tôi nó làm đâu ăn đó, chưa đủ trút miệng nó, có đâu cho người! Dì khéo lầm!
– Vậy chớ tiền ở đâu mà con San Hô mua đồ ăn cho tôi vậy chị?
– Tiền của nó dệt thuê may mướn, chớ tiền ở đâu! Dì thiệt lù mù quá, không biết chi hết, tôi coi thiên hạ không có con dâu nào mà chí hiếu như con San Hô vậy!

Thế thường dâu con người ta gặp cái cảnh mẹ chồng khắc bạc như dì, thì nó bỏ ra đi, phải đợi gì để, nhưng lòng dạ của con San Hô không phải như vậy! Hết nghĩa thờ chồng hết lòng thương mẹ, lúc dì đuổi nó, vừa ra khỏi ngõ là nó tự vẫn liền.

May nhờ có đức Quán Âm Bồ Tát cứu hoàn hồn cho nó sống lại, nó không biết làm sao, nên phải qua bên tôi xin ở nhờ, làm thuê làm mướn, kiếm được đồng nào, thì cột vào trong lưng mà giữ cất ca cất củm, không dám tiêu xài, mỗi ngày chỉ ăn hai bữa cháo lỏng, một dĩa rau đồng mà thôi.

Nó liệu chừng dư được khá khá, thì mua sắm đồ ăn, nhờ tôi gửi qua cho dì. Vậy mà nó còn sợ dì ghét nó không ăn, nên dặn là dâu của tôi gửi cho dì đó.

Bà Mã Ổn nghe đầu đuôi câu chuyện, khóc òa lên mà than rằng: “Trời ơi! Bấy lâu tôi tưởng con San Hô đã cải giá nhà người, ai dè nó qua ở bên chị lo làm ăn mà nuôi mẹ con tôi. Vậy là mẹ con tôi sống trong lượng bao dung của nó mà không tự biết là trời cao biển rộng. Thật tôi đã phụ tấm lòng của con dâu biết bao nhiêu!

Bữa nay tôi nghe chị nói mới rõ được sự tình, chính tại tôi bỏ nó, chớ nào phải nó bỏ tôi. Chị ơi! Bây giờ biết liệu làm sao cho nó hết giận mà gọi nó trở về, hả chị?

– Nó đâu có giận! Tôi đã nói là người con dâu hiếu nghĩa hàng đầu, tại dì không chịu nói, chớ dì kêu thì nó về liền.
– Bây giờ tôi đau, trong mình yếu lắm, đi không nổi. Vậy tôi biểu thằng Văn qua nhà chị dẫn nó về, chừng có được không chị?
– Tôi chắc được liền, nhưng tôi xin dì đừng có khắc bạc nó nữa mà ông Trời sẽ hành mạt kiếp, chớ chẳng chơi đâu! Thôi! Tôi về, sẵn dịp dì biểu thằng Văn đi theo tôi luôn thể, để hai vợ chồng nó giáp mặt nhau mà phân trần giây lát, rồi rước về, kẻo tối”.

Bà Mã Ổn nghe Châu Thị nói như vậy, lập tức sai Mã Văn theo chân đi liền.

Khi qua tới nơi, vợ chồng gặp nhau vừa mừng vừa tủi, nhiều nỗi bi oan, tình tự một hồi mới dắt nhau ra lạy bà Châu Thị đền ơn và từ tạ ra về.

Hai vợ chồng vừa gần đến nhà đã thấy bà Mã Ổn ra đứng giữa đường đón rước. Nàng San Hô thấy mẹ, liền khóc tức tưởi, cuối đầu lạy ba lạy, rồi hỏi mẹ đau làm sao đến nỗi gầy ốm như thế!

Bà Mã Ổn phần thì mừng dâu, phần thì nghe hỏi mấy lời, liền động tới cái mỗi khổ tâm khổ cảnh, cũng khóc òa lên, ôm nàng mà rằng: “Mẹ vuốt hờn của con, mẹ biết lỗi mình rồi, nếu con thương mẹ, đừng giận mẹ nữa.

Đoạn này nói đến con Túy Hoa, khi thấy nàng San Hô về, nó phùng gan đỏ mặt, xỉ vào mặt nàng San Hô mà mắng rằng: “Mày là con bị chồng đuổi, mà còn vác mặt về đây làm chi nữa?

Nếu mày muốn làm đầy tớ, ăn nhờ cơm thừa cá cặn, thì mày phải lạy tao đây, để tao nuôi cho, chớ sao mày cứ làm thinh mà chui đầu vô ở với ai? Nhà này là nhà của tao, cơm đây cũng là cơm của tao, mày không thưa với tao, phải đi ra khỏi nhà này cho mau, đừng ở đó mà chết…”

Nàng San Hô biết con Túy Hoa hung dữ, bất đắc dĩ nàng phải dùng lời lẽ êm dịu thưa với nó mà xin ở, nó sai làm gì thì nàng làm việc nấy, chớ không dám cãi lẫy, miễn sao trong nhà được an ổn mà thôi.

Nửa tháng sau, con Túy Hoa bảo cất nhà riêng cho nó ở, bà Mã Ổn có được bao nhiêu tiền gạo đều phải trút đem về nhà nó hết.

Nàng San Hô thấy vậy, bèn khuyên lơn bà Mã Ổn rằng: “Thưa mẹ! Của ở nơi Trời, xin mẹ đừng buồn làm chi, tùy ý thím lấy chi thì lấy, để con làm mà nuôi mẹ và chồng con, dù có thế nào con cũng không để mẹ phải đói rách!”

Bà Mã Ổn nghe nàng khuyên như vậy mới vơi nỗi buồn, rồi mẹ con hủ hỉ lây lất qua ngày, dần dần khí sắc trong nhà như đã vui vẻ trở lại.

Tuy tiền gạo kém thiếu nhưng nhờ nàng San Hô có nghề nghiệp, mượn vốn làm ăn, mua bông kéo vải, nuôi heo để tằm, mỗi ngày ăn uống tiêu xài, cũng còn dư lại chút ít.

Mới hay ông trời không phụ người có lòng! Xưa nay những người hiền lành, trời nào có phụ! Tục ngữ thường nói: “Có đức không sức mà ăn” nên hiếu thuận sẽ được hạnh phúc

Như nàng San Hô hiếu thuận sẽ được hạnh phúc, dù nghèo thì nghèo thật, song nhờ tấm lòng hiếu nghĩa, giữ vẹn thủy chung, nên phẩm chất nàng càng cao vời, thời vận của nàng càng ngày càng phát, hạnh phúc ấy nào phải tại nàng hy vọng mà được đâu!

Một hôm, nàng San Hô thấy trong vườn cỏ cây mọc loạn, không có chỗ trồng rau ăn. Nàng bèn bắt tay vào cuốc rẫy, không ngờ lúc phát dọn nơi góc vườn, thấy một đống đá, nàng liền ráng sức bưng dẹp ra nơi khác, bỗng phát hiện bên dưới toàn là vàng ròng.

Nàng lật đật chạy vào nhà cho mẹ và chồng hay, và còn qua nhà con Túy Hoa mà cho vợ chồng nó biết nữa.

Con Túy Hoa nghe nói giục chồng xách thúng chạy theo. Hai vợ chồng có ý tham, tranh lựa cục to mà lượm cố, còn nàng San Hô thì lải rải lượm sau.

Túy Hoa giục chồng bưng những cục vàng ấy về rồi mang bán cho mấy nhà giàu. Khi họ gọi thợ vàng đến thử mới biết cục nào cũng là thau, liền cáo giác lên quan làm án, bắt giam cả hai vợ chồng, bị cầm ngục hành hạ khổ sở.

Nàng San Hô thấy em bị nạn thì buồn rầu, năn nỉ mẹ và chồng tìm phương giải cứu.

Bà Mã Ổn không chịu mà nói rằng: “Cái quân đó cũng nên để nó chết cho rồi, con muốn cứu nó về để nó chửi mẹ mắng con nữa hay sao?”

Nàng năn nỉ nhiều lần mà vẫn không được thì buồn rầu sinh bệnh, làm bà Mã Ổn cũng có ý lo.

Mã Văn thừa dịp đó mới thưa rằng: “Vợ chồng con Túy Hoa dại thì dại rồi, song về đạo gia đình, song nó vẫn là con của mẹ, và em của con.

Nếu nay vợ chồng nó bị tù tội mà không cứu nó, thì mẹ đã kém chữ “từ” nghĩa là “lành”, còn con lại mất chữ “bi” nghĩa là “thương”, e có điều mang tiếng! Huống chi nàng San Hô tính vốn thương em, sợ nàng rầu mà chết, nên con xin mẹ nghĩ lại”.

Mã Văn khuyên giải nhiều lần bà mới chịu cho cứu. Nàng nghe mẹ cho phép, thì mừng quá bèn bàn tính với mẹ, xin đem vàng đi bán lấy tiền chuộc tội cho em.

May cho hai vợ chồng Túy Hoa, tội nặng nhưng phước lớn, một là nhờ có nàng San Hô lo liệu, hai là nhờ bán vàng có được số tiền lớn, và ba là nhờ Mã Văn học giỏi có tiếng, nên quan có lòng thương, thành thử việc chuộc tội cho vợ chồng Túy Hoa có phần dễ dàng hơn kẻ khác.

Về phần Túy Hoa, trải qua bao phen thất bại, một là đi tới đâu ai thấy cũng ghét, hai là vàng trở thành thau, ba là bị tội ở khám, đêm ngày suy xét, hổ thẹn trăm bề, mới biết tự tâm ăn năn cải lỗi. Từ đó, nàng ăn năn sám hối, mỗi ngày thăm viếng, thảo mẹ thờ chồng, thương anh kính chị và về ở chung với mẹ như cũ.

Nàng Túy Hoa hồi tâm cãi hóa được nửa năm thì bà Mã Ổn lâm bệnh rồi mất. Khi ấy vợ chồng Mã Văn và Mã Võ cùng lo tống táng cho mẹ hết mực long trọng.

Nhưng đó cũng là sự thường chẳng nói chi, chỉ đau đớn thay cho nàng Túy Hoa, dập đầu cúi lạy, vật vã bên quan tài, kêu mẹ hỡi mẹ ơi, khó kể thê lương.

Nàng khóc than bi thảm suốt ngày đêm bỏ ăn bỏ uống, kẻ thấy người nghe, ai nấy cũng động lòng.

Than ôi! Người đời ai lại không lỗi lầm, song có lỗi mà biết ăn năn sám hối như nàng Túy Hoa tưởng cũng là hiếm thấy, đã đáng thương lại đáng trọng! Cũng là làm gương cho trang son phấn nữ lưu đó mà sửa tánh nết!

Từ khi mẹ tạ thế, sau ba năm để tang cũng vừa gặp hội khoa thi, chàng bèn ứng tuyển thi đổ Cử nhân.

Năm sau, trong kỳ thi hội chàng lại đỗ Bảng nhãn, làm quan tới ngôi Thượng trụ Quốc công, quyền cao chức cả, đem chữ “hiếu” làm chữ “trung”, trợ nước giúp dân, triều đình ai cũng đều khen ngợi.

Trong khi Mã Văn vinh quy chốn quan trường thì nàng San Hô cũng ở nhà bán vàng lập nghiệp, ruộng thì cò bay thẳng cánh, nhà thì tòa rộng dãy dài, lầu các thênh thang, kẻ hầu người hạ, nàng còn sinh được một trai một gái đều thông minh tuấn tú.

Còn về phần cư xử, trong thì thương bà con, cho đến cả kẻ nô bộc nàng cũng hết mực nhân từ, ngoài thì giúp làng, giúp dân.

Tuy đã được thụ phong tới bậc Nhất phẩm phu nhân, nhưng không khi nào nàng tỏ vẻ sang giàu, ra oai bà lớn, mà vẫn luôn ôn tồn dịu dàng, cách ăn ở xưa sao nay vậy.

Từ khi Mã Văn công danh thành đạt, Mã Võ nhờ nương theo thế lực của anh mà thi trúng Võ cử, làm quan tới bậc ngự tiền Thống chế Tường quân, còn nàng Túy Hoa cũng được thụ phong tới ngôi Tam phẩm phu nhân, sinh được một trai, cũng rất mực thông minh anh tuấn.

Xét như trên đó, quả đúng hiếu thuận sẽ được hạnh phúc, biết rằng nhờ ăn ở hiếu thuận, cả nhà họ Mã được hưởng công danh phú quý, vinh hiển đời đời, phước báo như vậy lớn biết dường bao!

Cái nhân của hai chữ “hiếu thuận” đã lớn, mà cái quả cũng không nhỏ.

Ví dụ như vợ chồng Mã Văn, lúc đầu chỉ giữ phận hiếu thuận riêng mình, nàng Túy Hoa sau cũng nhờ đức đó mà được cảm hóa.

Chẳng những nàng Túy Hoa mà cả dân trong vùng cũng được cảm hóa, trai thì theo gương Mã Văn, gái thì theo gương San Hô, thảo với cha mẹ, thuận với anh em, nhà nhà học theo đức tín hiếu thuận đáng quý của vợ chồng Mã Văn, nên sau khi học theo thì tất cả mọi người điều nhận thấy hiếu thuận sẽ được hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên cho thấy hiếu thuận sẽ được hạnh phúc, nếu như ai cũng biết hiếu thuận, thì tai nào chẳng tiêu, phước nào chẳng sanh, nhà nào lại chẳng vinh hoa phú quý, sung túc an vui. Nếu nhà nhà đều vinh hoa phú quý thì nhân gian đẹp mỹ mãn biết bao!

Cảm ơn mọi người đã xem hết bài viết “Câu chuyện nhân quả hiếu thuận sẽ được hạnh phúc”. Xem thêm các bài viết hay về nhân quả ở link bên dưới.

Câu chuyện thay hồn đổi xác của chàng Trương Ẩn

Câu chuyện nhân quả Niệm Phật cứu chủ khỏi đọa

Quả báo mần cá tàn ác

Theo Dõi Taonon.vn trên Facebook Tại Đây