Câu chuyện lòng lành đổi tướng thay tên xảy ra vào đời vua Vĩnh Lạc, thời nhà Minh, Trung Quốc, có người tên Trịnh Hưng Nhi, côi cút một mình, cha mẹ đã khuất, cũng chẳng có bà con họ hàng.
Lòng lành đổi tướng thay tên
Chàng đến dinh quan Bộ lang nhà họ Vương, xin làm người hầu được nửa năm. Ông thấy chàng mới mười bảy tuổi mà thật thà, siêng năng lại nhất mực cung kính, nên đem lòng thương, không sai chàng làm việc nặng, chỉ giữ lại nhà khách lau dọn bàn ghế, và sai vặt mỗi khi có khách, hoặc trà nước, hoặc cơm rượu mà thôi.
Một hôm, phu nhân ông bệnh nặng, thuốc thang đã nhiều mà không thấy công hiệu, nên trong lúc quan Bộ lang lo buồn, đột nhiên có khách là ông Viên Thượng Bửu đến thăm.
Nguyên ông này tên là Trung Triệt, làm chức Thượng Bửu tư thừa, là con của ông Viên Liễu Trang, cha con tướng thuật như thần, tại Kinh kỳ ai cũng kính phục.
Khi chủ khách đã yên vị, ông Thượng Bửu nhìn qua Bộ lang mà nói rằng: “Nhìn ngài khí sắc không ổn, chắc là bửu quyến có bệnh không yên, nhưng cái tướng này không phải ở trong sinh ra, mà ở ngoài đến, hoặc có chỗ tránh được cũng chưa biết chừng!”
Quan Bộ lang vẫn biết ông Thượng Bửu là thần tướng, mà nay xem tướng mình lại đoán trúng việc nhà nữa, nên ông muốn hỏi cho cặn kẽ, nhưng chưa kịp hỏi thì Trịnh Hưng Nhi dâng khay trà lên cho hai ông uống, rồi trở xuống nhà sau.
Ông Thượng Bửu thấy Trịnh Hưng Nhi, bèn nói nhỏ với quan Bộ lang rằng: “Trò nhỏ pha trà đó là người chi trong nhà?”
– Nó là đứa ở của tôi, mà ngài hỏi làm chi?
Quý quyến của ngài hay sanh bệnh hoạn, là bởi tại trò đó có cái tướng phòng chủ. Nếu nó ở lâu với ngài, thì sợ trong nhà phải hao người. Vậy ngài cũng liệu mà cho nó ra khỏi nhà, tự nhiên được bình an.
– Hèn chi nó đến ở với tôi ước được năm sáu tháng mà trong nhà tôi đau ốm luôn, không ngày nào toàn mạnh. Nhưng nó tính nết ngoan hiền, tôi đâu nỡ đuổi nó đi!
Khi ông Thượng Bửu ra về, quan Bộ lang đem lời ấy thuật lại, thì phu nhân nghe liền bảo ông mau cho nó đi. Ông sợ trái ý vợ mà thêm bệnh đành gọi Hưng Nhi vào cho mười quan tiền, rồi bảo đi nơi khác ở.
Hưng Nhi khóc lóc mà thưa rằng: “Con không khi nào dám trái ý ngài mà nỡ nào ngài đuổi con?”
Ông Bộ lang bèn đem việc ông Thượng Bửu xem tướng mà thuật lại, chàng biết thần tướng đã nói vậy, biết không thể ở lại được nữa, liền lạy hai ông bà rồi ra đi.
Quả nhiên khi chàng ra khỏi nhà, phu nhân bắt đầu khỏe lần, từ ấy về sau, trong nhà không ai bệnh hoạn nữa.
Kẻ trong nhà của quan Bộ lang thấy ông Thượng Bửu nói tướng của Hưng Nhi như vậy, thì tụm năm tụm bảy, luận nọ bàn kia, một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, làm cho cả kinh thành, ai cũng hay biết việc ấy.
Chàng Hưng Nhi ra ngoài đường, lững thững không biết đi đâu, trời vừa tối, chàng vào trong am Quan Âm, nằm trước mái hiên, lăn qua trở lại, mà không tài nào ngủ được.
Chàng bèn than thở một mình rằng: “Người ta có cha mẹ bà con, lại giàu sang tướng tốt, còn mình đã tứ cố vô thân, lại có cái tướng hại chủ. Nay không tội mà bị đuổi, ai còn chịu làm chủ mình nữa, chi bằng chết cho sướng thân còn hơn”.
Chàng miên man suy nghĩ rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay, bỗng thấy một bà, tay cầm nhành lá, từ trong am bước ra.
Chàng lật đật ngồi dậy, thấy bà trên cao cầm nhành lá chỉ vào chàng bảo rằng: “Con chớ nên tự tử, vì con tuy có tướng xấu nhưng lòng con tốt, rồi một ngày kia con sẽ được như ý”.
Bà dạy mấy lời như vậy, rồi bước vào trong am, sau đó Hưng Nhi giật mình thức dậy, mới hay là điềm chiêm bao.
Sáng hôm sau, chàng nhớ điềm mộng ấy, không dám nghĩ đến cái chết nữa, lo tìm đến các dinh quan, hoặc những nhà giàu sang để xin ở hầu hạ.
Nhưng thương thay! Ai nấy nghe đến cái tên Hưng Nhi cũng đều chối từ, không chịu cho ở. Chàng đi cả ngày rồi cũng về lại am Quan Âm, ngủ trọn nửa tháng trường như vậy.
Lúc ấy mười quan tiền quan Bộ lang cho, chàng đã tiêu xài hết, lòng chàng rối bời, biết tính sao để sống qua ngày đây.
Một đêm nọ, chàng nằm thao thức và nghĩ rằng: “Nửa tháng nay, mình đi cùng khắp thành mà chẳng có ai chịu dung nạp. Từ mai mình thử ra ngoài thành tìm kiếm, họa may có tìm được chăng!”
Sáng hôm sau chàng thức dậy, vừa ra khỏi cửa thành thì muốn đi đại tiện. Chàng liếc xem bốn phía, thấy nơi bờ hào thành có hai dãy nhà cầu, dãy bên trái thì các ông lui tới không dứt, còn dãy bên phải thì các bà cũng ra vào liên miên.
Chàng nhắm dãy bên trái đi vào, tìm một căn trống bước tới, đại tiện xong, khi đứng dậy nhìn lên nóc nhà cầu, thấy một gói bằng vải đen đang móc tòn teng.
Chàng lấy làm lạ, liền với tay lấy xuống xem thử, thấy nặng mà chưa biết vật gì bên trong, lúc đem ra chỗ vắng mở gói vải ra xem thì thấy 300 lượng bạc gói trong 30 gói giấy xanh.
Khi thấy bạc, chàng mừng rỡ thì thầm: “May cho ta! Bữa nay hết tiền lại nhặt được bạc nhiều như thế, còn lo chi là nghèo, còn sợ chi là bị đuổi nữa!”
Chàng lại nghĩ: “Của này chắc của người đi đại tiện bỏ quên. Nếu là khách thương giàu có bỏ quên thì mất rồi cũng còn bạc khác, ta lấy cũng không hại chi. Chứ như người thiếu hụt, phải đi vay mượn, hoặc bán đất bán vườn để lo việc công danh hay lo việc hoạn nạn, mà ta lấy thì hại cho gia đình và tánh mạng của người ta.
Huống chi trời cho mạng ta cùng cực, làm đầy tớ cũng còn chưa yên, phước đức đâu mà hưởng của sẵn có này? Nay đem trả cho người là phải. đã chẳng hổ với lương tâm, lại khỏi hại đến công việc của người, và cũng không trái ý trời nữa”.
Chàng nghĩ như vậy, rồi xách gói bạc đến gần nhà cầu ban nãy, nhân lúc mọi người không để ý, bèn moi đất chôn gói bạc, rồi ngồi gần một bên, chăm ngó vào đó, chờ người đến tìm bạc.
Chàng ngồi một hồi lâu thì thấy một người đàn ông hớt hơ hớt hải chạy đến, vào nhà cầu này sang nhà cầu khác, tìm hết dãy nhà cầu bên trái, sau thất thểu đi ra, vừa bứt tóc trên đầu vừa lẩm bẩm: “Thế này thì tôi phải chết, còn sống mà làm chi!”
Hưng Nhi thấy dáng vẻ hốt hoảng và nghe mấy lời than thở của anh ta thì biết chắc là người đánh rơi gói bạc. Chàng liền lên tiếng gọi: “Ớ anh kia! Có việc chi cần, thì lại đây tỏ cho tôi rõ, họa may tôi có thể giúp đỡ được!”
Người ấy nghe gọi bèn chạy lại nói rằng: “Em ơi! Số anh thật rủi ro! Nguyên chủ có giao bạc cho anh đến kinh thành lo việc thăng quan, đêm qua anh ngụ tại tiệm cơm gần cửa thành này, vì phòng ngủ không được chắc chắn, nên phải thức cả đêm. Sáng ra anh đến nhà cầu này, móc đỡ gói bạc lên cây đinh lớn, lúc đi thì bỏ quên ở đó”.
Giờ anh biết lấy chi mà lo việc cho chủ, khi về thì biết dùng lời chi nói cho khỏi tội, nên chỉ muốn liều mình tự vẫn cho rồi”.
Hưng Nhi hỏi rằng: “Chủ của anh làm quan chi? Còn anh là người chi của chủ, họ tên là gì, xin cho em biết, rồi em sẽ giúp cho”.
Người ấy nói: “Chủ của anh là Trịnh Hùng, làm quan Chỉ huy tại phủ Hoài An, còn anh họ Trương, chủ cho làm chức Đô quản, mọi người thường gọi anh là Trương Đô quản. Nếu em biết ai lấy gói bạc đó, thì chỉ giúp để anh xin lại, ơn ấy anh không dám quên”.
Hưng Nhi lại nói rằng: “Gói bạc của anh có bao nhiêu và hình dạng ra sao? Anh nói em nghe thử”.
Người ấy đáp rằng: “Ở ngoài gói bằng vải đen, còn trong gói có 300 lượng bạc gói bằng giấy xanh, mỗi gói là 10 lượng”.
Hưng Nhi cười rằng: “Chính em nhặt được gói bạc ấy, đang ngồi đợi anh đến trả lại”.
Chàng vừa dứt lời, liền moi đất xách gói bạc lên đưa cho người ấy.
Đô quản thấy gói bạc của mình, vô cùng mừng rỡ, mở ra đếm lại, bạc còn y nguyên không thiếu một lượng. Đô quản lấy một phần bạc đưa Hưng Nhi nói: “Em nhỏ mà người đức lớn, anh xin kính biếu em 50 lượng mà đền ơn”.
Hưng Nhi xua tay từ chối: “Nếu em muốn lấy gói bạc đó, thì đã đem đi mất rồi, cần chi phải ngồi đây đợi anh đến trả lại. Xin anh chớ làm hư cho cái tâm thật của em”.
Trương Đô quản liền hỏi: “Em nhà cửa ở đâu, tên họ là chi, xin cho anh biết, để sau tìm đến mà đáp ân?”
Em tên là Trịnh Hưng Nhi, mười bảy tuổi, mồ côi từ thuở bé, không cha mẹ, không bà con, không nhà cửa chi hết. Em đang là đầy tớ nhà quan Bộ lang, vì thầy tướng nói em có tướng hại chủ, nên bị đuổi hơn nữa tháng nay chẳng nơi nương tựa”.
Đô Quản nghe nói, thì động lòng thương, bèn nói rằng: “Em đang lúc cùng cực mà thấy của không tham thật là lòng dạ Thánh Hiền, dẫu người xưa cũng không bì kịp. Thôi! Em không cần đi đâu làm chi, cứ theo anh vào quán ăn uống, rồi cũng nghỉ lại đó, để sáng mai em giữ hành lý giúp anh, còn anh vào các dinh quan lo việc, xong việc rồi anh sẽ dẫn em về Hoài An thưa cho chủ biết. Vả lại chủ anh cũng đồng họ với em có lẽ ông sẽ nhận em vào làm. Dù chủ anh không dùng, anh đây làm chức Đô quản, thì nuôi em năm ba năm cũng có là bao”.
Hưng Nhi nghe vậy rất vui mừng, sau đó, hai người rủ nhau vào quán ăn uống nghỉ ngơi, sáng hôm sau Hưng Nhi ở lại quán giữ hành lý, còn Đô quản vào Bộ binh lo việc thăng bổ cho chủ là Trịnh Hùng xong, rồi trở lại nhà nghỉ để dẫn Hưng Nhi về quê.
Về đến Hoài An, Đô quản bảo Hưng Nhi đứng ngoài ngõ, còn chàng vào bẩm lại việc trên kinh cho chủ hay.
Quan Chỉ huy nghe xong ngạc nhiên thốt lên rằng: “Nay ta được thăng chức Du kích Tướng quân cũng là nhờ ngươi thông thạo mới được việc”.
Đổ quản bẩm: “Không phải nhờ con mà đều nhờ ơn vị cứu tinh! Nếu không có vị cứu tinh đó thì chẳng những không lo xong việc mà ngài đã giao, mà cả tánh mạng con cũng không còn!”
Ông Du Kích hỏi rằng: “Vị cứu tinh nào đó?”
Đô quản bèn đem việc mất bạc nhờ Hưng Nhi lượm được rồi trả lại, từ đầu chí cuối thuật hết cho chủ nghe.
Ông Du Kích mới nói: “Trong đời lại có người nghĩa khí như vậy, sao không mời về để ta đền ơn?”
Đô quản bẩm rằng: “Tôi có dắt người đó về, nhưng còn cho đứng ngoài ngõ”.
Ông Du Kích lật đật ra ngoài nghinh tiếp, rồi dắt thẳng vào nhà khách mời ngồi, nhưng Hưng Nhi không dám, cứ xin để cho chàng đứng hầu mà thôi. Sau bị mời ép mãi, nên chàng đành kéo lui ghế ngồi thụt ra sau.
Ông Du Kích nhắm xem trạng mạo của Hưng Nhi, biết không phải là người hạ tiện, liền nói rằng: “Cậu mang họ Trịnh, ta đây cũng họ Trịnh, tuổi gần năm mươi mà vợ chồng trơ trọi không con. Ta muốn nhận cậu làm con, phòng ngày sau nối dòng cho họ Trịnh, mà không biết cậu có vui lòng chăng?”
Hưng Nhi bẩm rằng: “Phận con hèn hạ, nếu quan lớn thương con cho ở để sai khiến, thì cái ơn ấy đã lớn lắm rồi, có đâu dám mong đến sự làm con!”
Ông Du Kích nói rằng: “Không phải vậy đâu! Con là vị ân nhân của ta mà lại là người khinh tài trọng nghĩa nữa, nếu ta lấy tiền của mà đền đáp, thì con không chịu, còn mang ơn mà không báo, thì ta là người gì?”
Hưng Nhi nghe nói cạn lời, chàng cũng hết phương từ chối, liền cúi lạy ông mà kêu bằng cha.
Ông Du Kích lại mời phu nhân ra để chàng lạy mà kêu bằng mẹ, rồi đổi tên cho chàng là Trịnh Hưng Bang.
Từ ấy về sau, ai nấy ở xứ đó cũng gọi chàng là Trịnh công tử.
Trịnh Hưng Bang được thời tốt vận đỏ nên từ khi làm con của Du Kích Tướng quân, chàng lo coi sóc mọi việc trong ngoài, lại biết quạt nồng ấp lạnh, sớm viếng tối hầu, phải đạo là người con hiếu thảo.
Quan Du Kích thấy vậy vui mừng khôn xiết, đem hết 18 món võ nghệ truyền lại cho chàng. Ít lâu sau, chàng đã tinh thông hết thảy.
Ông lại mời thầy văn nổi tiếng về chỉ dạy cho chàng. Chàng luôn gắng chí học hành, sôi kinh nấu sử, và năm sau đã trở thành người văn võ kiêm toàn, thiên hạ thảy đều kính phục.
Sau đó, nhân quan Du Kích được phong chức Tiên phong, thống lĩnh đại quân đánh giặc Sào Hồ, Trịnh Hưng Bang cũng theo cha lập nhiều chiến công.
Nguyên soái thậy vậy đem lòng yêu mến, phong chàng chức Chỉ huy, vừa đến lúc dẹp yên giặc bang trở về chiều, vua Vĩnh Lạc phong quan Du Kích chức Điện tiền Đại tướng quân, và phong cho Trịnh Hưng Bang chức Du Kích tướng quân.
Từ ấy cha con đều nhậm chức ở kinh sư.
Một hôm, Trịnh Hưng Bang nhớ đến lúc hầu hạ quan Bộ lang, tuy chàng bị đuổi, nhưng xét thấy chủ nghe lời thầy tướng chớ không phải chủ ở bạc tình với mình. Chàng tự nghĩ đã về ở gần mà không đến thăm viếng sao phải là đạo làm người.
Nghĩ rồi chàng liền đến dinh quan Bộ lang, lúc ấy gia nhân vội chạy vào báo: “Có quan Du Kích đến viếng”.
Quan Bộ lang lật đật chạy ra ngoài nghinh tiếp rồi mời vào nhà khách tiếp đãi, nhưng quan Du Kích đứng vòng tay mà thưa rằng: “Ngài là chủ còn tôi là tớ thì đâu dám ngồi đồng bàn, vậy tôi xin đứng hầu mà thôi”.
Quan Bộ lang nghe nói lấy làm lạ, bèn hỏi rằng: “Quan Du Kích xưng hô như thế, làm cho tôi ngổn ngang tấc lòng”.
Du Kích thưa rằng: “Vậy chủ không nhớ tôi đây là Hưng Nhi hay sao?”
Quan Bộ lang nghe nói thì nhìn kỹ lại mới biết là kẻ hầu mình đuổi thuở trước, chỉ khác vì mặc áo mão rực rỡ mà thôi.
Thật là: “Rỡ mình lại vẽ cân đai, Hãy còn hàm én mày ngài như xưa”.
Quan Bộ lang đứng dậy nắm tay quan Du Kích mà xin lỗi rằng: “Khi đó tôi nghe lời Viên Thượng Bửu, nên đã đắc tội cùng ngài. Nay ăn năn cũng đã muộn, cuối xin ngài dung thứ cho”.
Quan Du Kích bèn thưa rằng: “Trăm việc đều tại trời, không phải bởi người làm chủ. Nếu lâu nay tôi còn ở đây thì giờ đây tôi đâu được phát đạt thế này, ấy là nhờ lời nói của ông Thượng Bửu, nên tôi không phiền chủ chút nào, và tôi cũng cám ơn ông Thượng Bửu nữa”.
Lúc ấy vừa có gia nhân vào báo rằng: “Ông Thượng Bửu đến viếng”, hai người muốn thử ông, bèn nói nhỏ với nhau rồi dắt vào trong phòng chuẩn bị.
Khi ông Thượng Bửu vào đến nhà khách, quan Bộ lang bước ra chào hỏi và bảo trẻ mang trà ra thiết đãi, kế thấy Hưng Bang mặc bộ đồ cũ của gia nhân, tay bưng khay trà bước ra, rồi khoanh tay đứng hầu.
Ông Thượng Bửu nhìn Hưng Bang chăm chú rồi hỏi rằng: “Ngài là người chi trong nhà, xin ngồi đây nói chuyện, sao lại phải đứng như vậy?”
Quan Bộ lang nói rằng: “Ngài không nhớ Hưng Nhi ở nhà tôi thuở trước mà ngài nó có tướng phòng chủ hay sao?”
Ông Thượng Bửu nghe nói, trực nhớ chuyện năm xưa, liền xem lại kỹ lưỡng mà đoán rằng: “Ngài thật quả giống Hưng Nhi năm trước, nhưng tướng xấu thuở ấy đã biến đâu mất, nay lại hiện ra cái tướng quan võ, giàu sang gồm đủ. Vả lại cái tướng ngày nay là nhờ ân đức mà phát ra, tôi dám đoán chắc ngài có làm việc ân đức chi, hoặc cứu người khỏi chết, hoặc nhặt được của rồi trả lại cho người, nên mới đổi được cái tướng tốt ấy”.
Trịnh Hưng Bang nghe nói mấy lời ấy, bèn khen rằng: “Phép xem tướng của ngài thật là thần diệu”.
Chàng bèn đem việc từ khi bị đuổi tới khi được bạc, rồi đến xứ Hoài An làm con của quan Chỉ huy, thuật lại đầu đuôi mày may không sót.
Quan Bộ lang hỏi rằng: “Nếu vậy thì hình tướng người cũng có lúc dời đổi hay sao?”
Ông Thượng Bửu nói: “Ngài không nhớ trong sách tướng có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt” đó hay sao? (nghĩa là: Lòng tốt tướng xấu, thì tướng theo lòng tốt mà hiện ra, còn tướng tốt lòng xấu, thì tướng theo lòng xấu mà tiêu mất”), cho thấy đúng như câu nói lòng lành đổi tướng thay tên.
Khi ấy quan Bộ lang dẫn Trịnh Hưng Bang vào phòng thay áo mão như cũ, rồi cùng uống trà đàm đạo với ông Thượng Bửu.
Sau Trịnh Hưng Bang làm đến chức Đại tướng quân, cưới vợ sinh con đẻ cháu, nối dòng họ Trịnh làm quan võ nhiều đời, đúng là lòng lành đổi tướng thay tên.
Đó là tích người có lòng lành đổi tướng thay tên mà Phật Trời đổi tướng bần cùng biến ra tướng phú quý. Phúc lòng ấy là nhờ thấy của không tham, cứu người khỏi chết mà được hậu báo như vậy.
Qua câu chuyện lòng lành đổi tướng thay tên đã cho chúng ta thấy được có một tâm hồn đẹp vô cùng quan trọng, bởi vì tâm sinh tướng, tâm hồn đẹp sẽ dẫn đến tướng mạo đẹp.
Cảm ơn mọi người đã xem hết bài viết “Câu chuyện nhân quả lòng lành đổi tướng thay tên”. Xem thêm các bài viết hay về nhân quả ở link bên dưới.
Câu chuyện nhân quả giết người thường mạng
Câu chuyện nhân quả thắng phục tâm tà
Câu chuyện nhân quả hiếu thuận sẽ được hạnh phúc
Theo Dõi Taonon.vn trên Facebook Tại Đây