Câu chuyện quy đầu về Phật pháp xảy ra vào đời nhà Minh. Ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, có người danh sĩ tên là Dương Cầu, cha mẹ mất sớm, gia tư chỉ có hai khoảnh đất đủ tự túc mà thôi.
Quy đầu về Phật pháp
Ngày đêm, ông chuyên đọc kinh sử Phật để giáo hóa chúng sanh, kiếm được bao nhiêu tiền ông đều mua chim, cá để phóng sanh.
Ông có viết tám chữ: “Hành thiện, chỉ ác, giới sát, cấm dâm” dán bên chỗ ngồi.
Một bữa kia, có người bạn đến chơi, thấy trên vách đề chữ ấy, mới cười mà hỏi rằng: “Lương huynh quy đầu về Phật pháp bao giờ mà tôi không hay???”
Ông đáp rằng: “Tôi học đạo Nho, có quy đầu về Phật pháp đâu mà thọ giới!”
Người bạn hỏi nữa rằng: “Huynh không quy đầu về Phật pháp mà sao lại giới sát và cấm dâm làm chi?”
Ông Lương Cầu đáp: “Đạo Nho cũng giới sát và cấm dâm như đạo Phật vậy. Xưa vua Thanh đi săn mà còn mở lưới một mặt cho cầm thú ra. Vua Văn Vương vét ao thả cá và lập vườn nuôi chim. Đức Khổng Tử chỉ câu làm vui, chớ không thèm móc lưỡi, còn thầy Mạng cắm lưới chày mà chẳng cho bắt cá trong hồ ao. Như vậy có phải là giới sát hay không?
Còn trong sách nói rằng: “Vạn ác dĩ dâm vi thủ”. Vậy nên tôi không muốn cận nữ sắc là vì lẽ đó!”
Người bạn hỏi: “Huynh không muốn cận nữ sắc thì vô hậu. Mà nếu vô hậu, thì mang tội bất hiếu”.
Ông Lương Cầu đáp: “Xưa ông Sào Phủ, ông Hứa Do, ông Bá Di, ông Thúc Tề, đều vô hậu cả, đến nay trong nhân quần đều khen, hoặc xưng rằng: “Tị thể cao nhân”, hoặc xưng rằng: “Thanh phong thiên cổ”. Vậy sao không ai bắt tội vô hậu?
Còn như vua Nghiêu vua Thuấn, có con là Đơn Châu và Thương Quân, đều mang tội bất hiếu.
Lại vua Thủy Hoàng có con là Hồ Hợi bị “vong Tần giả Hồ” như thế, thì lại ích lợi gì?”
Người bạn hỏi: “Vậy thì Lương huynh muốn làm cái danh gì?”
Ông đáp: “Tôi muốn làm cái danh “thiện nhân” mà thôi!”
Người bạn gật đầu mà khen rằng: “Lương huynh thiệt là cao luận!”
Từ ấy sắp sau, ông Lương Cầu ăn ở như thế trải được mười năm dư, những người ở trong làng đều phẩm đề cho ông năm chữ: “Hữu Nho giả khí tượng”.
Mấy năm sau, ông nằm chiêm bao thấy hai vị Quỷ sứ đến bắt.
Ông nói rằng: “Tôi không sợ chết và chẳng tiếc thân, nhưng sách có nói “Nhân từ giả thọ”.
Tuy tôi nghèo, chớ cũng biết “Chỉ ác hành thiện, giới sát phóng sanh”. Nếu ở nhân từ như tôi mà hưởng linh chỉ được bốn mươi mốt tuổi mà thôi, thì trong thế gian ai thích nhân đức làm gì? Vậy xin phiền hai người trở về tâu lại với Diêm vương coi ngài phán đoán lẽ nào, dầu không giảm thì bữa khác hai người trở lại bắt tôi cũng được”.
Hai vị Quỷ sứ nghe ông Lương Cầu nói mấy điều có lý như vậy, thì tình đã rất thương, bèn trở về tâu lại.
Cách vài bữa sau, lúc giờ Tý, ông Lương Cầu cũng nằm chiêm bao thấy hai vị Quỷ sứ đến nữa, thì ông hỏi rằng: “Vậy chớ Diêm vương phán xét làm sao mà hai người còn trở lại đây?”
Hai vị Quỷ sứ đáp: “Ngài phán rằng thế gian chỉ biết “thiện ác chi báo” ở trong một thời kỳ hiện sanh mà thôi, chớ chưa được phép “thiện ác chi báo, thông kiên tam thế”, nên Phật có nói “nếu muốn biết kiếp trước tạo nhơn như thế nào, thì coi hiện sanh quả báo đời nay, còn như muốn biết kiếp sau quả báo làm sao, thì coi hiện sanh tạo nhơn đời này”.
Vả chăng nhà ngươi kiếp trước không làm lành, chỉ tạo những điều sát nghiệp, vậy nên kiếp này chỉ hưởng thọ chừng đó mà thôi”.
Ông Lương Cầu nghe mấy lời ấy, bèn phụng mạng đi theo hai vị Quỷ sứ. Đi một lát, thấy đường nhiều gai ốc, chỗ cao chỗ thấp gập ghềnh, thật là nguy hiểm!
Ông bèn hỏi hai vị Quỷ sứ có đường nào khác dễ đi hay không?
Hai vị đáp rằng: “Có một đường dễ đi mà lại gần, tên là “báo oán cảnh”, hễ tội nhân nào đi đến đó, thì bị cầm thú trở triệt sách mạng, e đi không tiện”.
Ông Lương Cầu nói rằng: “Nếu quả như vậy, thì tôi bình nhựt nhờ giới sát phóng sanh, chắc đi không can chi”.
Hai vị Quỷ sứ bèn dẫn ông đến đường ấy quả nhiên thấy rất nhiều cầm thú.
Tất cả tội nhân qua đó, đều bị loài ấy ngăn đón mà sách mạng, con thì lấy sừng mà chém, con thì lấy chân mà đạp, con thì mổ mắt, con thì xé da, con thì rút thịt.
Còn hai vị Quỷ sứ dẫn ông Lương Cầu đến chỗ ấy, thì loài cầm thú trông thấy, lật đật nhường đường tránh xa, con thì ngoe nguẩy đuôi, con thì vỗ cánh, tất cả đều có vẻ hoan nghênh.
Ông qua khỏi chỗ đó rồi, bèn thấy một cái chợ, kẻ mua người bán như ở trên thế gian. Hai vị Quỷ sứ dẫn ông vào quán mời ăn gỏi, uống rượu.
Ông bèn từ chối mà nói rằng: “Tánh tôi không biết uống rượu, còn gỏi nào không phải phạm vi thế gian, thì tôi chẳng ăn”.
Hai vị Quỷ sứ khen rằng: “Lạ thay! Thật đáng là một người thiện sĩ”.
Khen rồi, hai vị bèn dẫn ông ra khỏi chợ thì trời vừa tối, chợt thấy một tòa cổ miếu rất tôn nghiêm, bông hoa rực rỡ, xem thiệt là giai cảnh.
Trước cửa miếu ấy lại có treo một tấm bảng khắc năm chữ vàng “Sắc phong Long Mẫu miếu”.
Hai vị Quỷ sứ dẫn ông Lương Cầu vào đó an nghỉ đến chừng nửa đêm, ông thấy một người con gái, hình trạng như Tiên đồng Ngọc nữ, tay trái xách một cái đèn, ngọn sáng ra ngũ sắc, tay phải cầm một cái kim bài bằng vàng, chính giữa có đề hai chữ “Thỉnh nhập” bằng nét son.
Nàng ấy cất tiếng truyền rằng: “Lệnh Thánh Mẫu mời thiện sĩ vào hậu viện mà phú chúc”.
Ông Lương Cầu nghe nói, vội vàng đứng dậy đi theo sau, vừa đến hậu viện, thì thấy một vị Thánh Mẫu ngồi chính giữa, dung mạo đoan nghiêm, ra cách như “thần tiên trung nhân” chớ không phải người trần mà dám so sánh.
Ông khép nép vòng tay đứng dưới thềm, nghe ở trong cất tiếng ban rằng: “Mời thiện sĩ ngồi”.
Ông nghe như vậy, bèn qua bên trái ngồi trên một cái cẩm đôn, mắt liếc hai bên thấy toàn là đồ kim bình ngọc trân, ngân khánh bửu lô, cách như nhà Vương hầu ở trên dương thế vậy.
Bà Long Mẫu hỏi rằng: “Bình nhựt thiện sĩ ở trên thế gian học đạo nào và tập nghề gì?”
Ông Lương Cầu đáp: “Thưa bà! Tôi học đạo Nho và dạy học trò, làm điều lành, lánh điều dữ, và giới sát cấm dâm, chỉ bấy nhiêu đó mà thôi”.
Bà Long Mẫu nghe tỏ mấy lời như vậy, bèn khen rằng: “Tốt thay! Thiệt là một người thiện sĩ! Người đã giữ được giới như thế, sao mà không quy đầu về Phật pháp? Thiệt khá tiếc!”
Ông bèn hỏi rằng: “Thưa bà! Vậy chớ quy đầu về Phật pháp có lợi ích chi không? Xin bà tỏ cho tôi biết”.
Long Mẫu liền đáp: “Người nào biết theo Phật pháp, thì như mặt trời mọc trên biển, càng cao càng sáng, đã chẳng những khỏi đọa vào nghiệp Tam Đồ mà lại nhảy ra khỏi miền Tam giới”.
Ông Lương Cầu nghe nói, bèn hỏi rằng: “Nay Diêm vương đã tróc mạng tôi xuống đến đây rồi, thì làm sao tôi trở về Dương thế mà tu hành”.
Long Mẫu đáp: “Như ngươi có lòng quy đầu về Phật pháp, thì đứng giữa đây, chắp tay niệm sáu chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật”, nguyện cho kiên cố, rồi đến điện Diêm vương phải trần tình thiết tấu thì chắc Ngài hoan hỷ mà cho người cải tử hoàn sanh liền”.
Ông Lương Cầu nghe lời bèn đứng chấp tay niệm rằng: “Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Xin cho tôi chuyển tử hoàn hồn, để trở lại Dương gian mà quy đầu về Phật pháp”.
Long Mẫu khen rằng: “Thiện tai! Thiện tai” rồi liền lấy chén vàng, rót nước trong bình Lưu ly mà sai thị tỳ phụng cho ông uống. Bà lại khuyên rằng: “Ngươi uống chén nước đó, thì tinh thần khỏe khoắn, trí huệ mở mang, coi đâu nhớ đó, thiệt nên lợi ích!”
Ông tiếp lấy chén nước uống liền, quả nhiên tinh thần sảng khoái, quên đói quên mệt.
Khi ấy, trước viện đã rạng sáng, hai vị Quỷ sứ vào thúc đi, ông bèn từ tạ bà Long Mẫu, rồi đi một hồi lâu, thấy một tòa thành quách nguy nga, lâu đài quảng diệm.
Hai vị Quỷ sứ dẫn ông thẳng đến điện Diêm vương, ông xem thấy hai bên đều là tội nhân, kẻ mang gông, người mang xiềng, ra dáng cực khổ không thể kể xiết.
Bỗng đâu, ông nghe trên điện có một vị Phán quan dạy dẫn ông vào, thì ông khép nép đến quỳ dưới điện.
Diêm Vương bèn phán rằng: “Tra bộ Tử coi Lương Cầu hưởng thọ bao nhiêu tuổi?”
Phán quan xem rồi tâu rằng: “Muôn tâu bệ hạ! Lương cầu sống đến bốn mươi mốt tuổi”.
Diêm vương lại truyền tra bộ Thiện và Ác của Lương Cầu xem thế nào.
Phán quan xem rồi, liền tâu rằng: “Muôn tâu bệ hạ! Trong bộ Ác chỉ có hai việc nhỏ quá mà thôi, còn trong bộ Thiện thì toàn đủ mười điều lành.
Diêm vương khen rằng: “Như thế thì thiệt là một người thiện nhân sanh về cõi Thiên giới. Vậy thì dẫn nó đến tạm trú nhà Thiên đường, đợi trên Đao lợi thiên sai Tiên đồng Ngọc nữ xuống rước về”.
Ông Lương Cầu nghe phán như vậy, liền quỳ xuống tâu rằng: “Muôn tâu Đại vương! Nay số tôi được bốn mươi mốt tuổi thì tôi an mạng, nhưng tôi còn một cái đại nguyện chưa rồi. Xin Đại vương mở lượng từ bi cho tôi cải tử hồi sanh, để về cõi Dương gian mà làm cho mãn nguyện”.
Diêm vương hỏi; “Vậy ngươi có cái nguyện chi, tỏ thiệt cho ta biết?”
Ông bèn tâu rằng: “Tôi có cái nguyện quy đầu về Phật pháp”.
Diêm vương cười mà phán rằng: “Ngươi ở trên Dương thế đã bốn mươi mốt năm mà không tu trong lúc ấy, nay đã xuống Âm ty rồi, mà còn xin trở về mà tu”.
Ông tâu rằng: “Xin Đại vương xét lại cho tôi nhờ! Vả chăng khi tôi ở trên Dương gian chỉ biết học đạo Nho mà thôi. Nay Quỷ sứ dẫn tôi xuống đến đây, đi dọc đường gặp miếu bà Long Mẫu bèn cho nghỉ, may nhờ ơn bà chỉ giáo, nên tôi mới phát nguyện tại miếu ấy lúc giờ sửu”.
Diêm vương nghe tâu như vậy, liền khen rằng: “Vậy thì phước đức của ngươi lớn lắm! Ngươi đã phát nguyện quy đầu về Phật pháp, nên chư Phật và Bồ Tát hoan hỷ, thì ta đây cũng hoan hỷ và tăng thọ cho ngươi một giáp nữa, để ngươi trở về Dương trần mà tu hành”.
Diêm vương phán rồi lại bảo Phán quan rằng: “Nay cho Lương Cầu được trở về Dương gian, vậy phải dẫn nó ra ngoài ty tào cho nó xem những hình án điều lệ, mấy bài châm bài văn, và các câu liễn, ở mấy cửa, để nó về trên Dương thế nói lại cho kẻ chúng sanh nghe mà bỏ dữ làm lành”.
Ông Lương Cầu nghe phán như vậy, bèn tạ ơn Diêm vương rồi liền theo Phán quan dạo khắp các nhà tư hình, lật án này, giở điều lệ kia, xem đọc kỹ càng, và coi hình điều bên điện Tả vu, bài phóng sanh bên điện Hữu vu, cùng các cửa xem đâu nhớ đó, không quên một chữ và chẳng sót một câu.
Phán quan dẫn ông Lương Cầu xem các nơi ở dưới địa ngục rồi, bèn giao cho Quỷ sứ dắt ông về Dương gian.
Ông ra khỏi thành Diêm vương, liền nhập vào xác, một lúc ông ngồi dậy, tinh thần khỏe khoắn, như vừa chiêm bao tỉnh lại.
Thầy trò thấy nhau mừng rỡ chẳng xiết. Ông bèn thuật lại đầu đuôi những việc đã thấy ở dưới Âm ty và lấy giấy biên những điều lệ, là các bài châm, bài văn và mấy câu liễn đối thành một tập, để truyền lại cho đời.
Cách vài bữa sau, ông tìm đủ trầm trà và hoa quả, bèn thiết một đàn tràng giữa nhà mà tạ ơn Long Mẫu, rồi cạo đầu nhuộm áo và bỏ nhà vào núi ẩn tu.
Sau ông thành một vị Cao tăng, sống thêm được mười hai năm nữa.
Qua câu chuyện quy đầu về Phật pháp của ông Lương Cầu cho chúng ta thấy rằng chẳng phải làm lành trong kiếp này mà được hưởng phước liền, phải trả quả về những điều ác của mình trong kiếp trước cho xong rồi sau mới được hưởng phước về những sự làm lành trong đời này.
Cảm ơn các bạn đã xem hết bài viết “Câu chuyện nhân quả quy đầu về Phật pháp”. Xem thêm các bài viết hay về nhân quả ở link bên dưới.
Câu chuyện nhân quả con nai cầu cứu mạng
Câu chuyện một vị Sa môn chú nguyện cho con chó
Một sự thác sanh rất minh mặc của ông lão nghèo
Theo Dõi Taonon.vn trên Facebook Tại Đây