Câu chuyện nhân quả tớ nghĩa nên nhà

Câu chuyện tớ nghĩa nên nhà xảy ra vào đời vua Tuyên Đức, tại xứ Hoài An, Trung Quốc. Có nhà họ Từ, sinh được ba người con trai. Người con cả tên là Từ Văn, người con giữa tên là Từ Võ, cả hai đều đã trưởng thành, mỗi người có đôi ba vợ mà không con. Còn người con út tên là Từ Hòa, chẳng may chết sớm, để lại hai đứa con trai, đứa lớn tên là Từ Hưng, vừa tròn mười tuổi, còn đứa nhỏ tên là Từ Thạnh mới lên tám.

Tớ nghĩa nên nhà

Nhà họ Từ để lại gia tài nhưng chưa phân chia rạch ròi cho ba đứa con, trong nhà còn nuôi một người đầy tớ, tên là Dương Tùng Thiện, tuổi ngoài năm mươi, lòng rất trung nghĩa, tánh rất khảng khái, ăn nói ngay thẳng.

Một ngày kia, Từ Văn nói với Từ Võ rằng: “Hai anh em ta có vợ nhưng không sinh được con, còn Từ Hòa có đến hai đứa con. Nay nó mất rồi, mình dại gì làm đầy tớ mà cai quản việc nhà, để nuôi vợ con nó ở không ăn hoài hay sao? Chi phần chia gia tài ra làm ba phần, phần ai nấy lo giữ gìn, nếu còn thì nhờ, hết thì chịu. Vậy em thấy thế nào?”

Từ Võ thưa rằng: “Anh nói rất hợp ý em, nhưng còn tên tớ già tên là Dương Tùng Thiện cha để lại đó, không nhờ được gì cả, nó lại có vợ con đến ba mạng, nuôi chỉ tốn cơm chớ chẳng ích gì, vậy nên chia nó về phần thằng Từ Hòa cho rãnh”.

Hai anh em bàn tính xong, liền mời làng họ đến làm chứng, lập ra bản phân chia tài sản, giao mỗi người giữ một bản, chia hết ruộng đất, tiền của, nhà cửa cha mẹ để lại.

Ông tớ già Tùng Thiện thấy sự phân chia ấy bất công, những ruộng tốt quý đều về phần hai người con lớn, còn ruộng đất xấu thì về phần vợ con người út nên ông gáng sức cãi lẻ, nhưng thân hèn nói chẳng ai nghe, rốt cuộc thảy đều ký tên mà nhận phần.

Nàng Nhan thị là vợ của Từ Hòa, từ khi lãnh phần chia gia tài của chồng rồi, dọn đồ cùng các con về ở riêng nhà mình, tủi phận cô thế thiệt thòi nên thường khóc than.

Ông Tùng Thiện thấy vậy ra sức khuyên can và thưa với Nhan thị lo kiếm ít vốn, để ông lo buôn bán, họa may có lời mà chi độ.

Nàng Nhan thị lo được 30 lượng bạc, giao cho ông đi buôn trong hai tháng mà lời được 400 lượng bạc.

Ông sợ chủ nhà trông đợi, bèn về cho hay và căn dặn Nhan thị cùng vợ con rằng: “Lúc nào hai cậu có đến hỏi thăm, thì đừng khai thiệt, chỉ nói rằng tôi đi buôn bán kiếm lời đủ ăn mà thôi, vì sợ hai cậu lo mưu hại, không biết đâu ngăn ngừa”.

Ông Tùng Thiện dặn rồi, giao lại cho Nhan thị cất 300 lượng, còn 130 lượng ông đem theo tiếp tục buôn bán.

Trên đường đi, ông nghe ngóng được tin bên Hàng Châu mất mùa, còn bên Quý Châu gạo lại rẻ. Ông liền sang Quý Châu mua gạo chở đến Hàng Châu bán, một vốn chín mười lời, buôn tiếp năm chuyến như vậy, chỉ trong ba tháng đã lời được 800 lượng bạc.

Ông lại về nhà đưa cho chủ là Nhan thị cất bớt 500 lượng, tính đem theo 430 lượng mà thôi.

Khi ấy, Từ Võ đến hỏi thăm việc buôn bán, ông Tùng Thiện đáp rằng: “Thưa cậu! Chuyến này rủi cho tôi làm lỗ gần hết vốn, nên phải về thưa lại với chủ mà lo vốn thêm, để tôi gáng thêm vài tháng nữa, coi may có gỡ được chăng!”

Từ Võ nghe qua mấy lời, bèn cười gằn rồi bỏ về thuật lại cho người anh là Từ Văn.

Ông Tùng Thiện nói nhỏ với Nhan thị rằng: “Xin chủ cứ làm như vầy…như vầy…”.

Nhan thị nghe lời đến nhà anh chồng là Từ Văn mà nói rằng: “Thưa anh làm ơn cho em vay 50 lượng bạc, để đưa cho Tùng Thiện đi buôn ít tháng nữa, may gở lỗ được, thì em trả lại cho anh”.

Từ Văn nói: “Nếu buôn lỗ nữa, thì thím tính sao?”

Nàng đáp lại: “Nếu lỗ, thì tôi thế cho anh số ruộng chia cho chồng tôi đó”.

Từ Văn nói: “Tôi không có tiền, vậy thì thím đem ruộng thế cho người khác cũng được”.

Nàng nói: “Ruộng chia cho chồng tôi đó là ruộng xấu, trồng tỉa không được mà anh là người trong thân tộc còn không chịu thế, thì người dưng đâu ai chịu thế! Vậy nên tôi buộc lòng đem hai đứa con tôi là Từ Hưng và Từ Thạnh đợ cho người ta ít tháng để kiếm tiền”.

Từ Văn đáp rằng: “Con của thím, thì thím muốn đợ hay là bán mặc tình, tôi đâu dám dự đến việc ấy!”

Nhan thị lại đến nhà Từ Võ mượn tiền, hắn cùng trả lời y như Từ Văn, nàng đành lủi thủi trở về, nghĩ đến việc nhân tình mà rơi lệ.

Nguyên lúc Tùng Thiện buôn bán ở Hàng Châu mấy tháng được tiền lời nhiều, có gặp một vị quan đại thần, tên là Phan Dưỡng Chánh, khi trước đậu đến chức Hoàng giáp, nay về hưu dạy học, học trò của ông rất đông. Thấy vậy, Tùng Thiện mới bày cách cho chủ là Nhan thị đến nói với hai anh như vậy, để đem hai đứa con đi học mà không ai nghi ngờ.

Tùng Thiện lại bảo đứa con ông là Dương Tùng Nhơn, khôn lớn hơn đi theo hầu hạ để chăm lo cho hai cậu chủ.

Đến Hàng Châu, Tùng Thiện dắt ba trẻ đến nhà thầy Phan Dưỡng Chánh, rồi dâng 130 lượng bạc nhờ ông nuôi dạy. Còn ông tiếp tục lo buôn bán, năm ba tháng lại ghé thăm một lần để gởi thêm tiền.

Lạ cho máy tạo thật khéo sanh thành, ba đứa nhỏ đều thông minh vượt bậc, học một biết mười, cứ thế theo đuổi sự học đã năm năm mà cả xứ Hoài An không ai hay biết.

Trong những năm ấy, Tùng Thiện buôn bán ngày càng phát đạt, khi buôn thứ này, lúc buôn thứ khác, vài tháng lại về nhà một lần, giao tiền cho chủ cất, hoặc năm ba trăm lượng, hoặc bảy tám trăm lượng.

Chừng đúng năm năm, Nhan thị đã cất được năm muôn lượng bạc, nhưng trong nhà ăn ở giản dị, không lộ dấu gì là người có của cả.

Đây nói qua lành Bình Khương gần đó, có ông phú hộ họ Triệu, là người bất nhân, khắc bạc nhà nghèo để thâu của, càng giàu lại càng ác đức, nên sanh một đứa con phá của tên là Triệu Phú.

Khi cha mẹ mất, gia tài về một tay chàng, nào là quán rượu tiệm trà, nào là ván cờ sòng bạc, tiệm thuốc đen, thần mây trắng miệt mài trót tháng quanh năm. Chẳng bao lâu mà tủ khô vựa trống, vàng hết bạc không, nợ nần nhiều ít vướng cùng, chủ nợ theo đòi ngày đêm không dứt.

Chàng tính bán một phần gia tài, nhưng vẫn không đủ trả nợ, nên đành rao bán hết thảy ruộng đất cha mẹ để lại, tổng cộng hơn 1.500 mẫu, để giá là sáu muôn lượng bạc, rao luôn năm tháng mà trong xứ Hoài An không ai mua nổi.

Khi nợ đòi gấp quá, chàng tức mình phải cập thêm một tòa nhà nữa mà hạ giá còn bốn muôn lượng bạc và mướn người đi rao khắp nơi để mau tìm được mối.

Lúc ấy, Tùng Thiện ở nhà hay tin, liền thưa với chủ là Nhan thị xin xuất tiền ra mua của đó, rồi đến hẹn với Triệu Phú ngày mai sẽ giao tiền mua đất.

Sáng hôm sau giữa các hương chức làng sở tại, Triệu Phú làm tờ tuyệt mãi và giao hết các văn khế, còn nàng Nhan Thị, thì đem đủ số bốn muôn lượng bạc đến chồng trước mặt hương chức làng.

Khi làng đứng ký tên thị chứng xong, Triệu Phú kiểm nhận số bạc và mời đôi bên vào tiệm ăn uống rồi tản về.

Đây nói qua từ khi Nhan thị mượn tiền của hai anh chồng không được, thì hai người ấy không khi nào bước chân đến nhà nàng, vì sợ nàng hỏi tiền nữa.

Hôm ấy hai anh em Từ Văn và Từ Võ thấy trong nhà Nhan thị khách đến đông đúc, không rõ việc chi, bèn cho người đến dò la, mới hay nàng mua trọn gia tài của Triệu Phú.

Hai anh em trù tính đến hỏi em dâu, nhưng vì hổ thẹn nên chỉ dám ở nhà bàn kia luận nọ.

Ít ngày sau, nàng Nhơn thị đến thưa với hai anh chồng, để dọn về ở nhà mới, nhưng hai người đều tránh mặt. Nhan thị đành đốt hương đèn vái lạy cha mẹ chồng, rồi về dọn đồ đem qua nhà mới mua của Triệu Phú.

Từ ấy, Nhan thị đã thành một nhà cực phú, ông Tùng Thiện cũng không đi buôn nữa, lo ở nhà bày tính sắp đặt các việc trong ngoài giúp cho chủ.

Đạo trời rất công bình, cuộc đời hay dời đổi, giàu khó trở tay thấy khác, sang hèn chớp mắt liền thành. Cũng trong năm ấy, nhằm khoa Đại Tỵ kén tài, ông Phan Dưỡng Chánh ở Hàng Châu dẫn học trò lớp nhất lên Kinh ứng thí, mà có một mình Dương Tùng Nhơn, là con của Dương Tùng Thiện, đậu Thám hoa, và Từ Hưng là con của nàng Nhan thị, đậu Tiến sĩ.

Nhan thị về ở nhà mới chưa đầy một tháng, thình lình có trát quan gởi về cho làng sở tại hay rằng phải biện đủ 300 nhân phu cùng cờ, trống, võng, vọng đến thỉnh và chực rước quan Thám hoa là Dương Tùng Nhơn, và quan Tiến sĩ là Từ Hưng, vinh quy bái tổ. Lại cũng có trát sai anh em họ Từ phải dọn dẹp nhà Từ đường cho trang nghiêm, để hai vị quan ấy về yết kiến ông bà.

Khi ấy, dân chúng trong xứ Hoài An, ai nấy cũng đều rộn rực, kẻ lo sửa soạn đi rước, người lo cơm áo chực coi. Chỉ riêng hai anh em họ Từ ganh tức như điên, không biết sao mà nói, nghĩ lại mới rõ con của nàng Nhan thị mấy năm vắng mặt là đi học, chớ không phải ở đợ cho ai, rồi đâm ra hổ thẹn mà giả bệnh nằm lỳ.

Ngày sau, quan Tỉnh và các quan Phủ, Huyện, Tổng, Xã chực rước quan Thám hoa và quan Tiến sĩ về nhà Từ đường lại yết ông bà, rồi mời hai bác là Từ Văn và Từ Võ đến mà lạy, nhưng hai bác giả đau chối không chịu ra.

Khi đó các quan và tổng xã rước hai quan về nhà Nhan thị, dọc đường thấy dân chúng ra chào đón như kiến đầy đồng, tiếng nói cười tợ ong vỡ tổ, cờ phất ánh trời lố nhố, trống vang dậy đất tưng bừng, lọng tàng dù nón phủ đầu, võng kiệu ngựa xe nối gót.

Thật là:

Vinh hoa bỏ lúc phong trần
Kẻ xa thảy biết người gần đều hay

Quan Thám hoa Dương Tùng Nhơn và quan Tiến sĩ Từ Hưng lạy bàn thờ của cha là Từ Hòa và lạy mẹ là Nhan thị với vợ chồng Dương Tùng Thiện, rồi bò heo trà nước, đãi đằng trên dưới lớn nhỏ luôn năm ngày đêm.

Hai vị quan ấy ở nhà ước được một tháng thì có chiếu chỉ vời về Kinh, quan Thám hoa được bổ chức Ngự sử đại phu, quan Tiến sĩ thì bổ chức Thị lang đều trong Bộ lại.

Ngày ấy quan Thám hoa xin rước cha mẹ về kinh, nhưng hai vợ chồng ông Tùng Thiện chẳng chịu, mà muốn ở lại nhà lo coi việc cho chủ là Nhan thị.

Khi hai vị quan về Kinh cung chức, có quan Tể Tướng đương triều tên là Hà Vị, vì mến người tuổi trẻ tài cao, nên đem gả cả hai con gái cho hai chàng.

Ít năm sau, Tùng Nhơn làm đến chức Thượng thư, còn Từ Hưng làm đến chức Thái khanh. Về phần Từ Thạnh, là em của Từ Hưng, khoa sau cũng đậu Tiến sĩ.

Sau Tùng Thiện được vua phong đến bậc Thái úy, vợ đến bậc Tam phẩm phu nhân, tuy ở nhà riêng mà vẫn giữ niềm chủ tớ như trước, đúng là một người tớ nghĩa nên nhà ai nấy thảy đều kính phục.

Từ ấy nhà họ Dương và họ Từ, con lân cháu phụng chồi quế cội lang, sang cả hơn người, thật đáng khen ngợi.

Còn Từ Văn và Từ Võ khi thác rồi, gia tài cũng dồn về con cháu của Nhan thị.

Ông Dương Tùng Thiện quả thật là một người tớ nghĩa nên nhà, do trồng được nhơn lành bền chặt, nên Phật Trời thương lòng, Quỷ Thần giúp sức, không đợi kiếp sau mới hưởng, mà hiện tiền thân hèn hạ bần cùng đó hóa ra thân sang giàu danh dự.

Qua câu chuyện tớ nghĩa nên nhà khuyên cho chúng ta rằng có gặp cảnh giàu sang chớ mừng, mà dầu gặp cảnh nghèo hèn cũng đừng thối chí, quyết tâm noi theo dấu thẳng đường ngay, gắng ghi làm điều phải trọn đời, dầu chưa được hưởng phước liền, cũng nên tự tâm hoan hỷ mà tin tưởng ở kiếp sau.

Cảm ơn mọi người đã xem hết bài viết “Câu chuyện nhân quả tớ nghĩa nên nhà”. Xem thêm các bài viết hay về nhân quả ở link bên dưới.

Câu chuyện nhân quả niệm Phật khỏi chết

Câu chuyện cứu người hậu vận được phước giàu sang

Câu chuyện nhân quả người phụ nữ hại người hại mình

Theo Dõi Taonon.vn trên Facebook Tại Đây