Câu chuyện Tỳ Kheo Vô Di và nàng Hàng Nang thọ ác báo xảy ra tại phủ Từ Sơn, thuộc xứ Bắc, có người danh kỹ tên Đào thị, tuổi vừa đôi tám, dung nhan diễm lệ, thi từ đã giỏi, ca xướng lại hay, nổi danh tài sắc một thời, thua chi Cầm Tố, kém gì Túy Tiêu.
Tỳ Kheo Vô Di và nàng Hàng Nang thọ ác báo
Vua Dũ Tôn đời nhà Trần, có truyền chỉ đòi nàng vào hầu trong cung, vì xiêu theo tài sắc của nàng mà đem lòng sủng hạnh.
Một hôm, vua ngự thuyền rồng dạo chơi tại sông Nhĩ Hà, vừa đến đầu ghềnh Đông bộ, vua mới tức cảnh ngâm hai câu thơ, vừa ngâm xong, các quan chưa ai kịp họa, thì nàng Đào thị liền ứng tiếp.
Vua nghe bèn khen ngợi mãi rồi dựa theo câu thơ ấy mà đặt tên nàng là Hàng Nang.
Từ đó về sau, tài danh nàng đứng đầu trong cung Thượng dương, mà phần yêu thương của nàng lại hơn hết trong phường kim ốc. Cảnh ngộ như thế, thật là xưa nay ít có!
Ngờ đâu bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói mà hồng đánh ghen. Chẳng bao lâu, vua băng hà. Nàng Đào thị phải ra ở ngoài nơi đô thị, một mình trơ trọi, không biết gởi thân vào đâu, nên “sầu ủ mặt hoa, buồn nhăn mày liễu”. Sau nàng quen được nhà quan Hành khiến là ông Ngụy Nhược Chơn, hằng ngày lui tới trò chuyện cho khuây.
Nhưng rủi thay! Gặp bà vợ là người tánh hay ghen, nghi ông và nàng có tình chi trăng hoa dan díu. Một hôm, bà kiếm cớ gây chuyện để đánh nàng, nên nỗi: “Trúc côn ra sức đập vào, thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh”.
Khi ấy, nàng Hàng Nang ôm hận trong lòng, nhưng vì lực yếu thế cô, nên phải cắn răng chờ thời.
Một hôm, nàng nghĩ được một kế độc, đem bán tư trang để có tiền thuê thích khách, lén tới nhà ông Nhược Chơn, quyết giết vợ ông báo thù. Ai ngờ âm mưu bại lộ, đã không hại được người mà lại tự rước họa vào mình.
Nàng nghe tin ấy, hãi kinh hồn vía, bèn cạo đầu đổi áo, mặc đồ đạo phục, lén đến chùa Phật Tích, ở làng Sài Khê, huyện Thạch Thất, mà tính bề tu hành. Nàng sẵn tính thông minh, lại thêm hiểu chữ Hán, nên chỉ học trong vài tháng mà kinh kệ đã làu thông.
Nàng xin cất một cái am riêng, để hằng ngày chiêu tập tài tử văn nhân mà sách đề một bài văn nơi kim bảng.
Khi ấy có một thiếu niên độ chừng mười bốn mười lăm tuổi đến chơi thì nàng có ý khinh mà hỏi rằng: “Mi cũng biết làm văn sao? Nếu biết thì làm cho ta xem thử!”
Chàng thiếu niên nghe hỏi vậy, lặng lẽ trở về tìm hiểu chuyện xưa của nàng, rồi kể hết trong một bài văn đem dán tại cửa chùa.
Khi ấy, kẻ xa người gần rủ nhau tới coi rất đông. Nàng biết sự đã lộ, nên đem lòng thẹn thùng và sợ sệt, lén trốn đi lúc nửa đêm.
Nàng nghe nói ở tỉnh Hải Dương, huyện Chí Linh, có chùa Lệ Kỳ, phong cảnh rất đẹp, lại có một vị Hòa thượng, hiệu là Pháp Vân, và một vị tiểu tăng, tên là Vô Di, nàng liền đến đó yết kiến và xin ở làm vãi.
Hòa thượng Pháp Vân không thuận cho nàng ở, người gọi tiểu tăng đến bảo rằng: “Nàng ấy còn trẻ, nhan sắc lại hơn người. Tuy đã biết rằng sen chằng lấm bùn, song vẫn ngại nỗi mây hay án nguyệt, vậy con chớ cho người ta ở lại mà sanh sự ăn năn về sau”.
Nào ngờ tiểu tăng có lòng ái sắc, sẵn ý hoan nghênh mà không nghe lời thầy. Hòa thượng Pháp Vân thấy vậy rời chùa, lên ở trên đỉnh núi Phụng Hoàng, là chỗ hoang sơ, tịch tĩnh không ai đi đến.
Từ ấy nàng Hàng Ngang có nơi thê thất, bớt dạ âu lo, song cửa Phật tuy nương mà lòng trần chưa sạch, thường bữa mặc áo sa thưa, vận quần lụa mỏng, tô son điểm phấn, không khác gì lúc còn ở trong cung.
Khốn thay! Cõi Dục đã gần, cơ Thiên dễ động, đến nỗi lấy Bồ Đề thiện quả mà đổi ra làm Phong Nguyệt lương nhân “Khi gió mát, khi trăng thanh, bầu Tiên rót rượu câu Thần nối thi, không có một cái cảnh gì mà lọt ra ngoài ngòi bút ngâm đề của hai người ấy. Thật là phong lưu hào hứng!
Cho hay “lạc cực sanh bi”, “vui hết tới buồn” sự thế vẫn thường như vậy. Đến năm Kỷ Sửu, nàng có thai lại mang phải bệnh nặng, từ xuân đến hạ, liệt chiếu liệt giường, khiến hồn phải về Âm giới. Khi ấy, ruột gan của ông Vô Di như tơ vò trăm mối, dao cắt chín chiều muôn thảm ngàn sầu, tưởng như muốn chết theo nàng!
Cách vài tháng sau ông Vô Di cũng thọ bệnh, bỏ cơm bỏ cháo, lê lết hơn nửa năm trường.
Một hôm, nàng Hàng Nang hiện hồn về trong chiêm bao rằng: “Thiếp chẳng hay nửa đường gãy gánh, hai ngã chia phôi, thì vẫn cũng có phụ lòng ân ái của chàng. Song thiếp nghĩ vì thù kia chưa trả, hờn nọ khó tiêu nên chỉ phải tạm biệt Chiêu Đề mà về nơi Tuyền Nhưỡng, để tính đầu thai lên Dương thế mà trả nợ oan gia, mới thỏa được cái nguyện bình sinh của thiếp”.
Từ đó, ông Vô Di lại đau càng ngày càng nặng. Hòa thượng Pháp Vân hay tin vội về thăm, lúc ấy bệnh đã trở nặng, không cứu chữa được nữa, đến chiều ông Vô Di liền mạng chung.
Nửa đêm hôm đó, bỗng nổi một trận gió mưa rất lớn, mây giăng sấm chớp, múa nhánh rung cây, bên nhà ông Nhược Chơn, bà vợ nằm chiêm bao thấy hai con rắn cắn dạ mà chung vào cạnh hông trái. Sau đó bà thụ thai, chín tháng mười ngày sau sinh được hai đứa con trai, đặt tên là Long Thúc và Long Quý.
Hai đứa trẻ mới một tuổi mà biết nói đủ điều, đến tám tuổi đã văn hay chữ tốt. Vì hai trẻ thông minh như thế, nên vợ chồng ông Nhược Chơn rất đỗi yêu thương, coi hơn vàng ngọc.
Một hôm, đang mùa hạ nóng bức, ông lên lầu hứng mát, chợt trông xuống đường thấy một nhà sư mang bình bát khất thực. Khi đi ngang dưới lầu, vị sư chần chừ dừng lại, nhìn vào nhà một lúc lâu mà chưa chịu rời bước, như thấy điềm chi, rồi lắc đầu nói rằng: “Tiếc thay dinh thự nguy nga như thế mà để cho yêu quỷ ở!”
Ông Nhược Chơn nghe nói hãi hồn, lật đật chạy xuống lầu, thỉnh sư vào nhà xin tỏ nguồn cơn. Ban đầu, vị sư từ chối không chịu nói. Ông khẩn thiết nài nỉ, khiến vị sư động lòng thương, mới tỏ rằng: “Bần tăng thấy nhà thí chủ yêu khí nhiều, nếu chằng phải nghiệp báo đời trước, thì cũng oan gia kiếp này. E chừng trong năm năm tới đây, thì yêu khí ấy sẽ khiến cả nhà ông lâm cảnh hiểm nguy”.
Ông Nhược Chơn nghe nói vậy khóc lóc van lạy xin vị sư cứu giúp. Vị sư ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo: “Thí chủ hãy gọi tất cả người trong nhà ra cho để bần tăng xem thử, nếu nhận ra ai là yêu quái, bần tăng sẽ nhìn người ấy, rồi gõ vào miệng bồn này một cái làm tín hiệu”.
Ông Nhược Chơn nghe nói, liền bảo mọi người trong nhà ra yết kiến, nhưng vẫn không thấy nhà sư gõ vào bồn.
Sau cùng, ông cho gọi hai đứa con, là Long Thúc và Long Quý ra, thì nhà sư vừa trông thấy hai đứa trẻ liền gõ ngay vào miệng bồn một cái, khen rằng: “Hai cậu ngày sau chắc sẽ giàu sang tột bậc, gầy dựng sự nghiệp, khiến nhà ông càng vẻ vang hơn nữa, chứ chẳng phải người tầm thường!”
Hai cậu bé nghe vậy, liền mắng rằng: “Ông thầy này ở đâu khéo đến đây nói chuyện bá láp!”
Hai anh em mắng xong, liền phủi áo bỏ vào trong. Ông Nhược Chơn đâm ra lo lắng, buồn bực, còn nhà sư cũng vội cáo từ.
Tối hôm ấy, Long Quý khóc mà nói với Long Thúc rằng: “Việc của hai anh em mình chắc là ông thầy tu đó biết rồi. Giờ anh phải toan liệu sao cho xong mưu kế của mình, kẻo trì hoãn nữa việc chẳng thành”.
Long Thúc nói rằng: “Anh chỉ sợ Hòa thượng Pháp Vân biết chuyện, ngoài thầy ra không ai có thể phá chuyện của ta, nên em chớ lo sợ! Còn người kia với anh em mình là tình cha con cốt nhục, có lẽ nào đem lòng hoài nghi chúng ta”.
Hai anh em trò chuyện trong nhà, chẳng ngờ ông Nhược Chơn đứng rình sau cánh cửa và đã nghe hết đầu đuôi. Nay biết chắc hai con là loài yêu quái, ông vô cùng kinh hãi.
Sáng hôm sau, ông giã đò đi chơi, dạo khắp các chùa đề tìm Hòa thượng Pháp Vân. Ông đi hơn một tháng trường mới gặp một người mách bảo rằng ngài ở trên chót núi Phụng Hoàng, ông cũng vội lặn lội tìm đến yết kiến.
Khi tới nơi, Hòa thượng Pháp Vân đang say giấc. Ông rón rén bước vào, đứng nép một bên, chờ ngài thức dậy mới đến trước mặt đảnh lễ, rồi bạch hết đầu đuôi sự việc và xin ngài xuống ơn cứu giúp.
Hòa thượng Pháp Vân cười rằng: “Tiên sinh nghe lầm chớ tôi đâu phải thầy phù thủy mà thỉnh tôi về ếm quỷ trừ ma!”
Ông Nhược Chơn ra sức thỉnh cầu, nhưng ngài vẫn một mực chối từ. May đâu có hai vị tiểu đồng thấy vậy thương xót, ra sức thưa giùm, Hòa thượng mới nhận lời cứu giúp.
Ngài liền lập đàn tràng, treo đèn bốn phía vẽ bùa dán lên, tay cầm cây thiết như ý chỉ huy bốn phương, như tuồn sai khiến quỷ thần, rồi bước ra ngoài đàn cầu kinh niệm Phật.
Khi ấy, ông Nhược Chơn đứng ngoài xa, nghe giữa không trung văng vẳng tiếng khóc la.
Sáng hôm sau, Hòa thượng lấy một viên đá thoa hùng hoàng, viết chữ mực lên trên, rồi đưa cho ông, bảo về hễ thấy yêu quái biến ra vật gì, thì mau lấy viên đá này quăng ngay vào mình nó, họa căn sẽ được tiêu trừ.
Khi ông Nhược Chơn về đến nhà thì thấy vợ đang khóc lóc thảm thiết mà nói rằng: “Ông ôi! Nửa đêm hôm kia, tôi không biết cớ gì hai đứa con mình kéo nhau ra nhào xuống giếng mà chết. Thảm thay! Tôi đã quàn thi thể hai con sau vườn, đợi ông về mà lo tống tán cho tử tế, kẻo tội nghiệp”.
Ông bèn hỏi rằng: “Trước lúc chết, chúng có nói chuyện gì không?”
Bà trả lời rằng: “Chúng than với nhau là phải chi trễ vài tháng nữa, thì việc chắc xong, cũng tại ông thầy chùa làm hỏng mọi sự”.
Bà nói rồi lại khóc òa lên. Ông thấy vậy, hết lời khuyên dỗ bà, rồi cùng nhau ra chỗ quàn hai đứa con.
Đến nơi, ông Nhược Chơn sai gia đinh mở quan tài ra, nhưng chẳng thấy thi hài hai đứa nhỏ đâu chỉ thấy hai con rắn vàng nằm trong. Ông vội lấy viên đá bùa liệng ngay vào, tức thì hai con rắn tan xác thành tro bụi.
Bà thấy vậy sợ hãi, bèn hỏi nguyên do, ông mới thuật lại rằng: “Thằng Long Thúc tức là tên Vô Di, chồng của con Hàng Nang, còn thằng Long Quý, tức là con Hàng Nang. Hai đứa nó rủ nhau đầu thai nơi nhà ta, để báo thù khi xưa bà đã đánh nó”.
Bà nghe mấy lời ấy mới hết sợ và mừng nói rằng: “May mà nhà ta vẫn còn phước!”
Bữa sau, hai ông bà sắm sửa hậu lễ, cùng đến núi Phụng Hoàng tạ ơn Hòa thượng Pháp Vân. Nào ngờ khi đến nơi chẳng thấy bóng người đâu, chỉ còn căn thảo am khói tỏa rêu in, nhìn không thấy dấu. Ông bà đành buồn bã dắt nhau trở về.
Cuối cùng nàng Hàng Nang thọ ác báo là do đã dám chen mình vào cửa thiền liều ba sợi tóc xuân xanh giả niệm Phật ăn chay, mượn đời Minh cảnh, hoa ưu đàm, gợi cái sắc trêu ong ghẹo bướm. Bởi lòng nàng như thế nên phép Phật chẳng dung, phải đọa vào trong bệnh tử gian nan là phải lắm!
Do tâm tính như vậy nên nàng Hàng Nang thọ ác báo là đúng người đúng tội, chỉ tiếc thay cho chàng Vô Di, đã là Tỳ kheo xuất gia đầu Phật, cơm Hương Tích ngon mùi pháp vị, áo Cà sa rạng vẽ phước điền, cớ sao lại để cho cái sắc ba đào làm nghiêng úp chiếc thuyền Bát Nhã, đang thiện nam tín nữ lại đổi thành tài tử giai nhân, đến nỗi bỏ chùa quên Phật, đành ôm khối tình mà theo xuống Tuyền đài, thoát xác đầu thai, cũng chỉ vì một ả giang hồ mà phải trả nợ tiền cừu cho nó.
Qua câu chuyện Tỳ Kheo Vô Di và nàng Hàng Nang thọ ác báo cho ta thấy đúng như câu nói ác giả ác báo, nàng Hàng Nang thọ ác báo do mình gây ra, còn Vô Di vì đam mê nữ sắc không giữ được chân tâm một lòng hướng Phật, mà lại theo Hàng Nang làm việc xấu, để rồi cuối cùng cả hai phải nhận hậu quả thân xác phải tiêu tan.
Cảm ơn mọi người đã xem hết bài viết “Câu chuyện Tỳ Kheo Vô Di và nàng Hàng Nang thọ ác báo”. Xem thêm các bài viết hay về nhân quả ở link bên dưới.
Câu chuyện nhân quả cái nghèo có bán được chăng
Câu chuyện nhân quả lòng lành đổi tướng thay tên
Câu chuyện nhân quả giết người thường mạng
Theo Dõi Taonon.vn trên Facebook Tại Đây